Hai anh em ở với ông cậu rất cực khổ, hằng ngày phải làm mọi việc từ nhỏ đến lớn, nào là lên rẫy, xuống suối bắt cá, vào rừng hái lá nhíp, đọt mây… lại còn thường bị đánh đập, ngược đãi. Sống với cậu được vài năm thì hai anh em không chịu nổi nữa mới ra ở riêng và đem theo bà ngoại cùng đến ở. Cả ba bà cháu dắt díu nhau đến một bon khác để sinh sống. Ở đây họ dựng một túp lều nhỏ nhưng chắc chắn. Hai anh em rất cần cù, siêng năng, không quản khó khăn, nhọc nhằn lên rừng đào củ mài, bẫy chim, xuống suối bắt cá, mò cua… để nuôi sống gia đình.
Nhưng ba bà cháu cũng không được sống yên thân lâu ở đây. Sau đó những người trong bon họ rất ghét ba bà cháu, vì họ nghĩ đó là những người không cùng gia phả, họ đã tìm nhiều cách để phá hại, nói những lời sỉ nhục. Hai anh em đơm được cá họ đều vớt hết, bẫy được chim họ cũng bắt, được con thú nào họ cũng lấy hết, không cho bà cháu họ một con nào. Không ở được họ lại phải dắt nhau đến một nơi xa hơn, không có người ở để sống, đi đúng ba ngày ba đêm thì dừng chân bên cạnh một con suối. Đến nơi này, hai anh em cũng chịu khó đi đào củ mài, bắt cá, mò cua, bẫy chim, bẫy thú. Lúc thăm bẫy, được con chim nào họ đều mổ điều lấy hạt thóc, hạt giống gom lại để giành đến mùa sẽ đem ra trồng tỉa.
Một hôm, như thường lệ hai anh em ra suối đơm cá, đang đặt đơm thì N’Dung N’Đơn thấy từ trên nguồn, một quả bầu khô đang trôi lơ lững về phía mình, N’Dung N’Đơn liền vớt lên, người anh bảo:
– Để anh đập nó ra xem có hạt bên trong không, nếu có chúng ta sẽ có hạt làm giống.
Thấy quả bầu đẹp quá người em can ngăn:
– Đừng! Anh đừng đập nó ra, quả bầu đẹp quá, đập thì tiếc quá, mình hãy đem về cho bà ngoại để bà làm bầu đựng nước.
Người anh nghe vậy nên thôi không đập quả bầu. Chiều về như mọi ngày, hai anh em N’Dung mang về nào là cá, chim, rau và hôm nay còn có thêm một quả bầu. Bà ngoại cầm trong tay quả bầu bà vui lắm, ngắm nghía một hồi lâu rồi bà nói:
-Trước khi các cháu lấy hạt trong quả bầu làm giống thì hãy đem nó treo lên giàn bếp đợi cho khô, đến mùa gieo trồng thì ta đem ra khoét lỗ lấy hạt để trồng, còn vỏ quả bầu sẽ dùng dựng nước uống.
Nghe chí phải hai anh em đem quả bầu treo lên giàn bếp. Cứ ngày qua tháng lại, sắp đến mùa rẫy mới thì một hôm hai anh em cũng đi vào rừng như mọi ngày. Một mình bà ở nhà, đến trưa đứng bóng bà bỗng nghe có tiếng nói rầm rì trong nhà làm bà hoảng sợ, không biết là người hay ma. Đến chiều hai anh em đi rừng về đến nhà, bà kể lại mọi chuyện mà bà đã nghe thấy lúc trưa. Hai anh em không tin, còn cho bà đã già nên lẩm cẩm. Hai anh em ăn ăn cơm tối, rồi đi ngủ. Ngày hôm sau cũng thế, hai anh em lên rẫy, một mình bà ở nhà, bà nghe tiếng rì rầm rõ hơn. Bà cứ nghĩ là có ma trong nhà. Chiều về bà cũng kể lại cho hai cháu nghe. Hai anh em N’Dung nghĩ nhà mình nghèo, làm gì có ma đến hại. Tuy vậy cả nhà ai cũng nghi ngờ, lo sợ chưa biết rõ sự thật thế nào.
Sáng hôm sau, hai anh em cũng đi lên nương như thường lệ nhưng đến trưa thì họ lại quay về đứng rình ở cửa, đúng lúc trời đứng bóng thì họ nghe có tiếng người nói trong nhà. Lắng nghe kỹ họ phát hiện có tiếng nói phát ra từ trong quả bầu mà họ đặt trên giàn bếp. N’Dung N’Đơn lấy quả bầu xuống định đập bể thì trong quả bầu lại phát ra tiếng nói rõ hơn:
– Xin đừng đập quả bầu, nếu quả bầu bị bể thì chúng con sẽ chết, chúng con là con của quả bầu mẹ này, thấy ba bà cháu sống lủi thủi cực khổ quá nên thần Mặt Trời sai chúng con xuống đây làm con cháu của nhà mình, chúng con sẽ lập thành những bon làng mới. Bây giờ xin hãy khoét một lỗ nhỏ trên cuống quả bầu để chúng con chui ra.
Nghe vậy hai anh em liền lấy dao khoét một lỗ trên cuống quả bầu thì có nhiều cặp vợ chồng khoẻ mạnh từ trong quả bầu bước ra. Cặp chui ra đầu tiên do lem bụi than để trên giàn bếp nên có làn da đen, đó là người M’nông, rồi tới người Êđê, Ba Na… và nhiều dân tộc khác như ngày nay. Người M’nông có câu:
“Neh n’tu n’du dê mon
Kon bu nuih n’du dê c’rơng
Khă lah êng m’pôl
Du n’dul nông krô”
(Đất trời thần linh tạo ra
Con người thần linh chỉ bảo
Tuy rằng khác giống
Cùng chung một quả bầu khô)
Sau khi thần Mặt Trời đưa nhiều cặp vợ chồng xuống trần gian sinh sống cùng ba bà cháu thì hai anh em N’Dung được bầu làm người cai quản bon làng rộng lớn đó. Hai anh em N’Dung tổ chức khai hoang thêm ruộng đất, gieo trồng, nuôi bò, săn voi… Họ sống hoà thuận, vui vẻ, giúp đỡ nhau trong công việc hằng ngày. Họ tổ chức lễ hội, cúng Giàng, cúng các thần linh (Thần Nước, thần Rừng, thần Suối, thần Đất,…). Trong lễ hội họ còn đánh chiêng, hát múa, kể chuyện, hát sử thi…
Trong khi đó người cậu của hai anh em N’Dung lại lâm vào cảnh đói rách, nghèo khổ. Hai anh em N’Dung đã bỏ qua chuyện xưa đón gia đình cậu về nhà ở với mình. Tất cả họ đều vui vẻ. Được vài năm thì bà ngoại già yếu và qua đời, rồi người cậu sau bao nhiêu năm cũng già yếu và mất đi. Ngày tháng cứ dần trôi không biết đã bao nhiêu mùa trăng, bao nhiêu mùa rẫy đã đi qua, hai anh em N’Dung cũng đã già yếu, họ lâm bệnh nặng rồi qua đời cùng trong một ngày, bỏ lại bản làng rộng lớn, đông đúc chưa có người đứng ra cai quản.
Những cặp vợ chồng bắt đầu tách ra ở riêng và nhiều người có tham vọng trở thành người đứng đầu bon làng. Họ bắt đầu tỏ ra ganh tị, ghen ghét lẫn nhau, dân làng không còn sống hoà thuận như trước nữa. Thần Mặt Trời thấy vậy nên mới nghĩ rằng, dân trong bon làng sống chung với nhau mãi như thế này là không ổn, sẽ dẫn đến sự tranh giành quyền lực và chém giết lẫn nhau, con người sẽ không còn một ai sống sót.
Thần khuyên những cặp vợ chồng hãy dắt con cháu mình đi theo vùng đất mà Thần sẽ phân chia và hãy giữ cho mình chữ viết và tiếng nói mà ta đã dạy để tự cai tự quản trông coi. Mọi người nghe thế vội đi tìm vật để lưu lại chữ viết. Có người viết trên lá, có người viết trên vỏ cây, có người viết trên tảng đá… Riêng người M’nông thì viết lên da trâu. Vì vậy, các dân tộc khác khắc chữ lên lá, lên vỏ cây, lên tảng đá thì còn lưu giữ được chữ viết chính xác, còn người Mnông do viết lên da trâu nên đã bị chó tha mất một số. Vì thế, chữ viết và tiếng nói của người M’nông đến ngày nay vẫn còn tồn tại một số chữ viết và cách phát âm khác nhau giữa các vùng.
Truyện lý giải sự ra đời, nguồn gốc của nhiều dân tộc anh em khác nhau. Truyện cũng muốn khuyên răn người nhà, ruột thịt thì phải yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Trong bon làng thì phải đoàn kết, xây dựng cuộc sống ấm no, không được ghen ghét, đố kỵ lẫn nhau…