Như Người Đưa Tin đã thông tin trước đó, tòa chung cư mini số 22B ngõ 236 Khương Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Tp.Hà Nội được đưa vào sử dụng từ năm 2017 đến nay đã xuống cấp. Tầng 1 được sử dụng làm nơi để xe, lên các tầng có thang máy và thang bộ bất ngờ xuất hiện nhiều vết nứt, toác phải gia cố thêm bằng hệ thống giàn giáo bằng sắt chống đỡ xung quanh chân các cột của toà nhà. Đến nay, toàn bộ cư dân đã được di dời khỏi đây.
Liên quan đến sự việc có dấu hiệu không bảo đảm an toàn, UBND Tp.Hà Nội vừa có văn bản giao UBND quận Thanh Xuân ngừng sử dụng tòa chung cư mini này; đồng thời khoanh vùng nguy hiểm, di chuyển người và tài sản để bảo đảm an toàn.
Theo đó, quận Thanh Xuân có trách nhiệm hỗ trợ bố trí chỗ ở tạm, bảo đảm ổn định cuộc sống cho các hộ dân trong thời gian di dời. Quá trình quản lý hiện trường, đơn vị liên quan phải theo dõi, quan trắc nhằm phát hiện, cảnh báo và xử lý kịp thời những tình huống bất lợi có thể gây mất an toàn cho công trình và các công trình lân cận.
UBND Tp.Hà Nội cũng lưu ý quận Thanh Xuân rà soát lại hồ sơ khảo sát, thiết kế, quản lý cấp phép và thi công xây dựng công trình chung cư mini số 22 ngách 236/17 Khương Đình. Ngoài ra, yêu cầu quận Thanh Xuân xác định rõ nguyên nhân sự cố, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến chung cư mini này.
Tp.Hà Nội cũng yêu cầu Sở Xây dựng rà soát toàn thành phố về loại hình nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ. Qua đó đánh giá, phân tích kỹ tính chất pháp lý, việc quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, xử lý dứt điểm các công trình có vi phạm trật tự xây dựng, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm về phòng cháy chữa cháy.
Ông Nguyễn Hồng Phong – Trưởng Ban quản lý tòa chung cư mini 22 ngách 236/17 Khương Đình cho biết, hai cột giữa tòa nhà bị nứt vỡ mất khả năng chịu lực. Ngoài ra, 4 cột quanh nhà cùng dầm chịu lực cũng bị ảnh hưởng. So với bản thiết kế, phần chịu lực của tòa nhà bị khuyết một thanh dầm ra thang máy. Ngoài ra, tiết diện của cột chống nhà nhỏ hơn so với bản thiết kế. Dự kiến mức chi phí sửa chữa sự cố có thể lên đến 4-5 tỷ đồng. Sau khi thẩm định, quá trình gia cố phần chịu lực của tòa chung cư mini cũng phải mất nhiều tháng mới hoàn thành.
Theo Cổng thông tin điện tử quận Thanh Xuân, chung cư mini 8 tầng phải “chống nạng” này được cấp giấy phép xây dựng vào năm 2016. Giấy phép xây dựng thể hiện chủ đầu tư được xây công trình cao 5 tầng, lửng và tum. Như vậy, so với cấp giấy phép xây dựng, chủ đầu tư đã xây công trình này thêm 3 tầng.
Do không có lối thoát nạn thứ 2 nên một hệ thống thoát nạn bằng thép được làm chạy dọc bên ngoài tầng 8 xuống tầng 2.
Trước thông tin trên, nhiều hộ dân ở tòa chung cư mini bức xúc, đặt câu hỏi về trách nhiệm của chủ đầu tư khi thi công, xây dựng tòa nhà sai thiết kế làm ảnh hưởng đến quyền lợi, cuộc sống của mình. Nhiều hộ dân cho rằng, việc thiết kế, xây dựng không đảm bảo kết cấu chịu lực thì chủ đầu tư sẽ phải là người chịu hoàn toàn trách nhiệm.