Chiều 11/12, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện quy chế phối hợp điều tra tai nạn lao động giữa Sở LĐ-TB&XH, Công an Thành phố, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố.
Tham dự hội nghị có ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND thành phố; ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh văn phòng Bộ LĐ-TB&XH, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM và lãnh đạo Viện KSND TP, Công an TP, Liên đoàn Lao động thành phố…
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, đánh giá việc tổ chức thực hiện quy chế phối hợp đã góp phần tăng cường hiệu quả, chất lượng trong công tác điều tra tai nạn lao động, đảm bảo chế độ cho người lao động và có hướng xử lý phù hợp với các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm liên quan, góp phần kéo giảm tai nạn lao động trên địa bàn.
Theo báo cáo, trong 5 năm thực hiện quy chế phối hợp (1/1/2019 đến 30/10/2023), Công an TPHCM thụ lý điều tra 32 vụ án, 40 bị can về các tội phạm vi phạm quy định về an toàn lao động, vi phạm về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng… Công an đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 25 vụ án, 38 bị can.
Trong giai đoạn này, Viện KSND thành phố đã thụ lý 27 vụ án với 27 bị can, khởi tố về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người”. Kết quả thụ lý đã truy tố 24 vụ với 27 bị can, đưa ra xét xử 23 vụ với 26 bị can.
Chỉ đạo tại hội nghị, ông Dương Anh Đức đánh giá cao công tác phối hợp của 3 đơn vị đã góp phần đẩy nhanh tiến độ, chất lượng công tác điều tra tai nạn lao động, giúp cho Đoàn điều tra tai nạn lao động TP kết luận các vụ tai nạn lao động nhanh chóng, kịp thời, chính xác, hiệu quả, giải quyết tốt các chế độ cho người lao động.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP nhận xét vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định trong quá trình thực hiện công tác phối hợp điều tra. Theo thống kê, TPHCM vẫn là địa phương có số vụ tai nạn lao động nhiều nhất trong các năm qua.
Ông Dương Anh Đức nhấn mạnh: “Báo cáo định kỳ về tình hình tai nạn lao động, công tác an toàn, vệ sinh lao động hàng năm cho thấy việc tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của một số doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở sử dụng lao động trên địa bàn thành phố vẫn chưa đảm bảo”.
Do đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố, yêu cầu các đơn vị liên quan phải giám sát tốt việc tuân thủ quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp, đơn vị. Làm tốt các quy định này sẽ góp phần kéo giảm rủi ro xảy ra tai nạn lao động.
Phó Chủ tịch UBND TP chỉ đạo người đứng đầu chính quyền các cấp, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết Sở đã tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả thực hiện quy chế phối hợp sau 5 năm triển khai, lấy ý kiến hơn 30 đơn vị để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy chế.
Tại hội nghị, lãnh đạo 3 đơn vị (Sở LĐ-TB&XH TPHCM, Công an TP, Viện KSND TP) cũng đã tiến hành ký kết quy chế sửa đổi, bổ sung quy chế phối hợp điều tra tai nạn lao động. Đồng thời, đại diện các phòng ban chuyên môn được phân công là đầu mối theo dõi, tổng hợp của 3 đơn vị ra mắt hội nghị.
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, cho biết: “Thông qua quy chế phối hợp này, chúng tôi đặt mục tiêu nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác phối hợp, giám sát, triển khai thực hiện các quy định về vệ sinh, an toàn lao động, góp phần kéo giảm tai nạn lao động trên địa bàn thành phố”.