Hầu hết các trường tiên tiến, hội nhập quốc tế (gọi tắt là trường tiên tiến) đã và đang là những trường “hot” ở TP.HCM.
Có trường không có học sinh, bỏ hoang nhiều năm nhưng khi chuyển đổi sang mô hình trường tiên tiến thì phải tổ chức thi tuyển đầu vào.
Ngôi trường đặc biệt
Nhìn khung cảnh khang trang, hiện đại của Trường THCS Trần Quốc Toản 1 (TP Thủ Đức), ít ai biết rằng ngôi trường này từng bị bỏ hoang 4 năm.
“Năm 2012, trường xây dựng xong nhưng không có học sinh đành bỏ hoang. Đến năm học 2016-2017, tôi được giao nhiệm vụ viết đề án thực hiện mô hình trường tiên tiến. Năm đó tôi chỉ kỳ vọng sẽ tuyển được hai lớp, nhưng thực tế ngoài mong đợi khi chúng tôi tuyển được 10 lớp” – ThS Nguyễn Thị Thu Hằng, hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản 1, cho biết.
Từ một ngôi trường mới thành lập, không có tiếng tăm gì mà ngay khi hoạt động đã thu học phí cao hơn nhiều lần so với trường công lập bình thường.
Lúc ấy, mức học phí dành cho học sinh THCS ở trường công lập bình thường trên địa bàn TP.HCM là 100.000 đồng/tháng/học sinh nhưng Trường THCS Trần Quốc Toản 1 thu 1,4 triệu đồng/tháng/học sinh. Vậy mà vẫn có gần 300 phụ huynh nộp hồ sơ cho con em mình vào học. Vì sao như vậy?
Cô Hằng lý giải: “Thời kỳ hội nhập, phụ huynh không chỉ quan tâm đến vấn đề học thuật, họ đặc biệt chú trọng đến việc trang bị kỹ năng mềm cho con em. Vì vậy, ngay năm đầu tiên hoạt động, trường mời chuyên gia về tập huấn cho giáo viên để triển khai các phương pháp dạy học hiện đại, tích cực.
Chúng tôi đưa STEM vào chương trình, dạy học sinh cách thức nghiên cứu khoa học, tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, rèn kỹ năng sống…
Song song đó, nhà trường làm việc với các đối tác để trang bị bảng tương tác, các thiết bị dạy học hiện đại… cho các lớp”.
Giáo dục toàn diện
Tiết học STEM vào chiều 23-10 ở lớp 6/4 Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10, TP.HCM) diễn ra sôi nổi hơn cả buổi sinh hoạt ngoại khóa.
Để lập trình cho robot có thể chạy được theo khung đường quy định, học sinh đã tranh luận, thực hành rồi thoải mái bày tỏ ý kiến khiến lớp học náo nhiệt hơn bao giờ hết.
Thiện Nhân – học sinh lớp 6/4 – tâm sự: “Em và nhiều bạn trong lớp rất thích học STEM vì thú vị, hấp dẫn. Mỗi tiết học là một lần chúng em chinh phục được những yêu cầu mới. Em mong nhà trường tăng thêm tiết STEM…”.
Theo ban giám hiệu Trường THCS Nguyễn Văn Tố, chiều hôm đó học sinh các lớp học các môn theo chương trình nhà trường. Với các môn như tin học quốc tế, tiếng Anh với giáo viên bản ngữ, đàn guitar, organ, bóng đá, bóng rổ, cầu lông, bóng bàn, kỹ năng đọc sách… các lớp sẽ học tại phòng chức năng hoặc ra sân cỏ hoặc vào nhà thi đấu đa năng.
“100% học sinh học hai buổi/ngày. Trường xếp thời khóa biểu cho các em là 40 tiết/tuần. Trong đó, khối 6, 7, 8 có 29 tiết/tuần; khối 9 có 29,5 tiết/tuần là những môn học theo quy định của Bộ GD-ĐT. Số tiết còn lại là các môn học thuộc chương trình nhà trường kể trên. Ngoài ra còn có chương trình học tập trải nghiệm ngoài nhà trường.
Năm nay học sinh khối 6 sẽ trải nghiệm đi xe buýt hai tầng tham quan các cung đường, di tích lịch sử của TP.HCM; học sinh khối 7 sẽ học khoa học tự nhiên tại Thảo cầm viên; học sinh khối 8 đi buýt đường sông để tham quan sông Sài Gòn; học sinh khối 9 tham quan Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) phục vụ công tác hướng nghiệp.
Tất cả chương trình nhà trường và hoạt động trải nghiệm đều lấy kinh phí từ nguồn học phíđể thực hiện” – một lãnh đạo Trường THCS Nguyễn Văn Tố cho hay.
Anh Lê Minh – phụ huynh có hai con học tại Trường THCS Nguyễn Văn Tố – nhận định: “Con tôi được vào học ở trường này là một may mắn. Nhà trường không chỉ chú trọng công tác giảng dạy mà còn chăm chút cho công tác bán trú.
Con tôi luôn khen ăn cơm bán trú ngon, con được ngủ giường tầng trong phòng ngủ có máy lạnh. Bên cạnh đó, trường còn tổ chức nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy văn hóa đọc. Không chỉ hoạt động phong trào, trường có nhiều thầy cô giáo giỏi, tận tâm.
Thế nên năm nào học sinh Trường Nguyễn Văn Tố cũng đoạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Thi tuyển sinh lớp 10 cũng đạt kết quả tốt. Đây là yếu tố khiến tôi ưng ý nhất, bởi tôi xác định cho con mình học công lập khi lên bậc THPT”.
66 trường tiên tiến hội nhập
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện thành phố có 66 trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT đang thực hiện mô hình trường tiên tiến.
Tuy xuất phát điểm khác nhau nhưng sau vài năm thực hiện, nhiều trường rất phát triển cả về chất và lượng. Trong đó, một số trường được xem là “đầu tàu” trong nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế.
Ở khối các trường mầm non, tiểu học và THCS, vì được nhiều phụ huynh tín nhiệm nên áp lực đầu vào rất cao. Chẳng hạn như quận Tân Bình có Trường tiểu học Đống Đa; quận Gò Vấp có Trường tiểu học Lê Đức Thọ; quận Tân Phú có Trường tiểu học Tân Sơn Nhì; quận 10 có Trường tiểu học Võ Trường Toản, Trường THCS Nguyễn Văn Tố; quận 6 có Trường tiểu học Võ Văn Tần, Trường THCS Bình Tây; TP Thủ Đức có Trường THCS Trần Quốc Toản 1, THCS Bình Thọ, THCS Hoa Lư…
Mùa tuyển sinh năm 2023, TP Thủ Đức đã quyết định cho Trường THCS Trần Quốc Toản 1 được tổ chức khảo sát để tuyển sinh lớp 6.
Như vậy, từ một ngôi trường bị bỏ hoang vì không có học sinh, sau 7 năm thực hiện mô hình tiên tiến, Trường THCS Trần Quốc Toản 1 đã phải tổ chức thi tuyển đầu vào. Đây là trường THCS công lập thứ hai ở TP.HCM phải tổ chức thi tuyển vì áp lực đầu vào, sau Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.
Đến mùa tuyển sinh đầu cấp năm 2024, TP.HCM có thêm nhiều trường THCS nữa cũng phải tổ chức khảo sát để tuyển sinh lớp 6. Bên cạnh đó, các trường THCS khác không tổ chức khảo sát nhưng cũng đưa ra nhiều tiêu chí để tuyển sinh vì “cầu” lớn hơn “cung” quá nhiều.
Một tiết học ở thư viện thông minh
Bước vào thư viện thông minh của Trường THCS Trần Quốc Toản 1 vào chiều 25-10, người viết bài tình cờ được dự một tiết học toán của học sinh lớp 9/7. Các học sinh ngồi theo nhóm tại những bàn tròn, phía trước mỗi học sinh đều có sẵn laptop.
Trên bục giảng, cô giáo Phan Thị Thanh Bình đeo sẵn micro, sử dụng bảng tương tác để giảng bài.
Mở đầu tiết dạy, cô Bình kiểm tra bài cũ bằng trò chơi Quizizz, học sinh nhanh chóng sử dụng máy tính để thực hiện. Phần giảng bài mới, những hình ảnh của bài hiện lên màn hình bảng tương tác trên bục giảng đồng thời cũng hiện lên màn hình máy tính phía trước mặt học sinh.
Các em không sợ ngồi quá xa hoặc nhìn không rõ. Khi cô giáo yêu cầu học sinh quan sát trên màn hình để tìm vị trí tương đối của hai đường tròn hay truy cập vào mã QR để hoàn thành phiếu học tập, học sinh thực hiện ngay trên máy tính và giáo viên nắm được kết quả bài làm của học sinh ở máy chủ…
Lựa chọn của phụ huynh
Học phí THCS công lập hiện nay ở TP.HCM là 60.000 đồng/tháng/học sinh. Tuy nhiên, tôi chấp nhận đóng học phí 1,725 triệu đồng/tháng để con mình được học ở Trường THCS Trần Quốc Toản 1.
Tôi thấy trường có cơ sở vật chất hiện đại, tiện nghi không thua các trường quốc tế. Sĩ số mỗi lớp chỉ 35 học sinh. Con tôi được học nhiều môn năng khiếu để phát triển bản thân như kỹ năng thuyết trình và phản biện, nhảy hiện đại, hội họa, tin học theo chuẩn quốc tế…
Trước khi cho con đăng ký thi tuyển vào lớp 6 Trường THCS Trần Quốc Toản 1, tôi đã tìm hiểu và được biết chất lượng giảng dạy các môn của trường rất ổn. Hằng năm, trường đều có học sinh thi đoạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố.
Số học sinh lớp 9 thi tuyển sinh lớp 10 cũng đạt điểm rất cao. Đa số các em đậu vào trường THPT tốp đầu của thành phố. Tôi quyết định cho con mình thi tuyển vào Trường THCS Trần Quốc Toản 1, bởi so với trường ngoài công lập thì học phí này quá rẻ, còn so với chất lượng giáo dục thì càng rẻ hơn nữa.
Chị Nguyễn Kim Ngân (phụ huynh Trường THCS Trần Quốc Toản 1, TP Thủ Đức)
Nguồn: https://tuoitre.vn/truong-tien-tien-hoi-nhap-co-gi-ky-2-giai-ma-suc-hut-truong-tien-tien-20241105083635308.htm