Hơn 25 năm làm Trưởng thôn Phong Ấp (xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa), ông Phùng Thanh Trúc luôn được người dân quý mến. Với uy tín của ông, việc xóm việc làng luôn được người dân hưởng ứng, xóm làng bình yên, hòa thuận.
Thắp sáng những đường quê
Thôn Phong Ấp đã thành lập nhiều câu lạc bộ từ rất sớm, như: “Phụ nữ không sinh con thứ 3”; “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”; “Cựu quân nhân”; “Gia đình phát triển bền vững”… Ông Trúc cho biết: “Phong Ấp là thôn đầu tiên của xã xóa bỏ việc rải vàng mã khi đưa tang, bỏ hẳn các tập tục lạc hậu trong tang lễ. Từ năm 2013, thôn thực hiện chương trình “Điện thắp sáng đường quê”, góp phần bảo vệ an ninh, trật tự thôn xóm”. Khi ấy, người dân trong thôn đã tự đóng góp kinh phí làm đường dây điện và bóng điện thắp sáng đến tất cả các đường trong thôn. Lúc đầu thôn còn khó khăn, ông Trúc cho lấy dây điện thoại làm đường dây dẫn điện thắp sáng đường công cộng của thôn.
|
Để có thêm cộng sự thực hiện chương trình “Điện thắp sáng đường quê”, ông Trúc chọn 2 thanh niên nhiệt huyết của thôn là Ba Hữu Duy và Nguyễn Bình. “Chú Năm bảo quê mình nghèo, ráng làm để người dân đi lại ban đêm sáng sủa. Tôi đi đo tất cả đường của thôn, xác định số cột điện phải trồng thêm, vẽ thiết kế, dự trù kinh phí gửi chú Năm xem. Từ đó, chú Năm họp dân trình bày ý tưởng và được người dân ủng hộ, đóng góp nhiệt tình” – ông Bình nhớ lại.
Chọn một con đường đầu tiên làm mẫu được 10 bóng điện, ban đêm sáng trưng, ai cũng phấn khởi và tự hào thôn xóm mình có điện đường. Đến nay, thôn có tổng cộng 120 bóng điện đường (trừ những đường đã có bóng điện của điện lực), gần 5.000m đường dây đạt tiêu chuẩn. Ông Trúc tâm sự: “Anh em trong tổ điện làm kiêm nhiệm thêm, còn công việc chính là làm bảo vệ cho nhà trường, làm ruộng. Nhờ có lực lượng này, thôn vận hành hệ thống điện thông suốt từ năm 2013 đến nay. Thử tính xem, nếu cháy một bóng điện, đứt sợi dây mà thuê thợ ngoài sửa chữa phải trả tiền công mấy trăm nghìn đồng, không quỹ nào chịu nổi. Ở đây, mùa mưa cháy bóng, đứt dây liên tục, anh em tổ điện tự giác sửa chữa”.
|
Nhiều nơi ở thị xã Ninh Hòa đã học cách làm “điện thắp sáng đường quê” như thôn Phong Ấp, nhưng chỉ tồn tại được thời gian ngắn. Riêng thôn Phong Ấp vẫn duy trì được thời gian dài. Để có kinh phí trả tiền điện cho công ty điện lực và sửa chữa lớn, hoặc thay thế toàn bộ đường điện, mỗi hộ dân đóng góp 70.000 đồng/năm. Kinh nghiệm 10 năm qua, thôn Phong Ấp luôn công khai thu – chi rõ ràng, minh bạch cho toàn dân trong thôn biết rõ. “Dân đã tin thì tự nguyện đóng góp, vì lợi ích của mỗi gia đình. Điều quan trọng nhất là không làm mất quyền dân chủ trong dân, bất cứ chuyện gì cũng phải giải thích, trao đổi một cách chân thành, cởi mở, thông qua họp dân, qua các tổ an ninh nhân dân, thậm chí đến từng hộ gia đình giải thích để dân hiểu và đồng tình ủng hộ” – ông Trúc chia sẻ kinh nghiệm.
Giữ tình nghĩa xóm làng
Ông Trúc làm trưởng thôn Phong Ấp từ năm 1996 đến nay. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn chỉ còn 0,75%; 100% nhà lợp ngói; 100% hộ gia đình được công nhận là “Gia đình văn hóa”, thôn đạt danh hiệu “Thôn văn hóa” đầu tiên của thị xã Ninh Hòa. Hơn 25 năm làm thôn trưởng, ông đã được 531 hộ dân ủng hộ và được mọi người yêu quý.
|
Dưới sự chỉ đạo của ông Trúc, thôn Phong Ấp đã lập ra 19 tổ trưởng tổ địa bàn dân cư, nhiều hoạt động của thôn được trưởng thôn “chia việc” đều cho 19 tổ trưởng để chung tay lo lắng vẹn toàn việc xóm, việc làng. Suốt thời gian làm trưởng thôn, ông Trúc luôn dành nhiều thời gian cho việc đảm bảo an ninh, trật tự trong thôn. Muốn an ninh tốt phải bắt đầu từ xây dựng gia đình có nếp sống văn hóa vì gia đình hòa thuận là gốc rễ của mọi vấn đề. Ông Trúc nhớ mãi câu chuyện đi hòa giải: “Tôi biết ông H. khi uống rượu về nhà hay đánh vợ nên gặp riêng khuyên giải “chồng đánh vợ là sai”, chỉ cho ông H. thấy những đôi vợ chồng trong thôn sống hòa thuận, chú tâm làm ăn, để cho ông H. tự soi lại mình. Từ lần gặp đó đến nay, ông H. không bao giờ đánh vợ nữa”.
Thôn Phong Ấp thành lập những nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, nằm trong tổ hòa giải của thôn, công bố số điện thoại của trưởng thôn, phó trưởng thôn, tổ hòa giải… cho người dân biết. “Bất kỳ cuộc điện thoại nào gọi đến thôn, chúng tôi phải đến nhà ngay, dù nửa đêm gà gáy, hay trời mưa gió, không bao giờ chậm trễ. Trước đây đôi khi họ còn cự cãi lại thôn, tổ hòa giải. Những năm gần đây, cả thôn đã quen rồi, hễ thấy thôn đến họ đã biết chuyện, dẹp loa đài ăn nhậu hát to, không cự cãi nhau… Tất cả mọi vụ việc xảy ra ở thôn đều được xử lý êm đẹp, người dân không cần gọi lên xã, trừ trường hợp tranh chấp đất đai mới đưa lên xã giải quyết” – ông Ba Hữu Duy, Phó Trưởng thôn Phong Ấp nói.
Ở tuổi 72, ông Trúc rút ra những điều tâm đắc thời gian làm trưởng thôn: Luôn đoàn kết, có vấn đề gì cũng bàn bạc thấu tình đạt lý, lấy trách nhiệm trước dân làm thước đo cho mọi công việc. Người dân còn thắc mắc chuyện gì phải giải thích cặn kẽ; luôn công khai, minh bạch mọi khoản thu – chi, đừng để người dân đặt câu hỏi nghi ngờ chuyện tiền bạc.
HẢI LUẬN