Mỗi khi nhắc đến Trường Sa, nhắc đến Gạc Ma, trong lòng em lại nhói đau; xen vào đó là niềm tự hào về anh và đồng đội…
Mấy hôm nay ở Bình Dương mưa lớn lắm, những cơn mưa bất chợt không báo trước. Chẳng hiểu sao em lại nhớ quê, nhớ nhà và có cả nỗi nhớ anh.
Cho đến tận bây giờ, 36 năm trôi qua kể từ trận chiến đảo Gạc Ma năm 1988, em không bao giờ thấy anh nữa. Cả nhà mình mất anh, thi thể anh mãi mãi nằm lại biển cả.
Chẳng hiểu sao em rất yêu biển, em cũng ước một lần được đi hết tất cả các biển, đảo trên dải đất hình chữ S này để thấy Tổ quốc mình đẹp biết bao. Em cũng từng ước ao một lần được đến với Trường Sa, đến với Cô Lin, đến với Song Tử Tây để tự tay mình thắp cho anh nén hương thơm giữa biển lộng gió.
36 năm đằng đẵng trôi qua. Vậy mà từ lúc cô bé 6 tuổi nghe đài phát tin báo tử “Liệt sĩ Lê Bá Giang, quê xã Hưng Dũng (nay là phường Hưng Dũng), TP Vinh, tỉnh Nghệ An hy sinh ở đảo Gạc Ma…”, đến tận bây giờ đã bước sang tuổi 43, em cứ ngỡ như mới ngày hôm qua.
Anh nằm lại cùng với 63 đồng đội ở đảo Gạc Ma. Có lúc nào anh có ý định về với đất mẹ, nơi anh sinh ra và lớn lên?
Anh biết không, khi mẹ em sinh cậu Thương, vào năm 1986, anh thường đạp xe đến nhà thăm mẹ em – người dì ruột mà anh rất yêu quý. Lúc đó em mới 4 tuổi thôi, anh 17 tuổi. Anh sợ mẹ em mệt nên hay bóp chân cho mẹ. Có ai ngờ rằng mãi mãi về sau là thế giới âm dương cách biệt. Đó có lẽ là ký ức cuối cùng mà đứa trẻ lên 4 tuổi như em nhớ được cho đến tận bây giờ.
Bà Nguyễn Thị Nhị – 82 tuổi, mẹ liệt sĩ Lê Bá Giang – từng nói: “Mất con, người mẹ nào không đau. Đau nhưng tự hào lắm bởi Trường Sa có một phần máu thịt của con tôi”.
Len Đao, Cô Lin và Gạc Ma là 3 cụm đảo chỉ cách nhau chưa đến 10 hải lý. Đây là vị trí chiến lược rất quan trọng trên biển. Em không muốn nói nhiều về trận chiến ở đảo Gạc Ma năm 1988. Em giảng dạy về lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam bằng sự đam mê, nhiệt huyết và cả lòng tự hào dân tộc, trong đó có một phần máu thịt của anh đóng góp cho sự bình yên của Tổ quốc trong thời bình. Mỗi khi nhắc đến Trường Sa, nhắc đến Gạc Ma, trong lòng em lại nhói đau; xen vào đó là niềm tự hào về anh và đồng đội đã góp phần bảo vệ độc lập, tự do, hòa bình cho Tổ quốc.
Cũng không phải lịch sử khô khan như nhiều người từng nghĩ, mà đó là bản anh hùng ca bất khuất của bao thế hệ cách mạng của người Việt Nam giữ gìn biển, đảo thiêng liêng. Em không nhắc nhiều từng chi tiết về trận chiến Gạc Ma bởi trong thời đại ngày nay, chỉ một cú nhấp chuột là ai cũng có đầy đủ thông tin. Em luôn nói với các thế hệ học viên, nơi em công tác và được phân công giảng dạy, rằng đó là một trong những cuộc chiến đấu anh dũng, quả cảm, đau thương nhất để bảo vệ chủ quyền biển đảo mà lịch sử không được phép lãng quên.
Đã 36 mùa xuân đi qua, đến tận bây giờ nhà mình vẫn chưa một ai được ra Trường Sa để thắp cho anh nén hương. Mẹ anh đã già đi rất nhiều, bố anh bị tai biến nằm một chỗ. Mỗi lần về thăm quê, em lúc nào cũng vào thăm dì, dượng. Hài cốt của anh đến tận bây giờ vẫn nằm lại trong lòng biển khơi giữa muôn vàn con sóng. Cách đây mấy năm, Binh chủng Hải quân Việt Nam có cho người về lấy mẫu giám định ADN nhưng thật tiếc, trong số các hài cốt tìm được của các liệt sĩ lại không có tên anh. Nỗi đau này chúng em chỉ biết nhớ và thương anh qua di ảnh trên bàn thờ. Anh nằm lại bình yên anh nhé. Đất mẹ luôn nhớ anh.
Anh Giang ơi!
Anh nhập ngũ tháng 3-1987, lúc đó em tròn 5 tuổi. Anh kết thúc huấn luyện ở Quảng Ninh thì được lệnh hành quân vào Nam. Đêm 29 Tết năm ấy, khi mẹ anh hay tin đơn vị anh sẽ hành quân di chuyển qua ga Vinh, cả nhà đã gói bánh chưng gửi cho anh. Nhưng có lẽ do bí mật quân sự, tàu không dừng lại. Cả nhà mang bánh chưng quay về trong nước mắt. Ra Tết, gia đình nhận được thư của anh, nói anh chuẩn bị ra đảo. Mấy ngày sau thì anh hy sinh. Thời khắc nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát bản tin đặc biệt về Trương Sa, công bố danh sách 64 chiến sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma, cả nhà bàng hoàng, đau đớn vô cùng. Anh là trường hợp đầu tiên và duy nhất của xã hy sinh tại quần đảo Trường Sa, cũng là liệt sĩ đầu tiên và duy nhất báo tử công khai trên đài phát thanh. Khi phát thanh viên đọc đến “Lê Bá Giang, xã Hưng Dũng, TP Vinh, tỉnh Nghệ Tĩnh…” thì chú Trường – chú ruột của anh – lao ra đường chạy về xóm Văn Tân gào khóc: “Cha ơi, mẹ ơi, Giang ta mất rồi”.
Bao nhiêu năm qua, anh nằm một mình ngoài biển khơi chắc lạnh lắm phải không? Ngày anh mất, mọi thứ ập đến quá nhanh, đau xót bao trùm lên mảnh đất quê nghèo. Mọi người không ai bảo ai, cứ chạy về nhà mình, nước mắt người dân Làng Đỏ cứ thế hòa vào nhau. Hai mươi tuổi đầu anh hy sinh, 36 năm sau vẫn không tìm được thân xác. Nỗi đau hằn vết chân chim nơi đôi mắt người mẹ già vẫn luôn trông ngóng anh. Nhưng không ai sống mãi với quá khứ, phải luôn hướng tới tương lai, anh nhỉ!
Em đã rất nhiều lần khóc, chảy nước mắt khi nhìn thấy hình ảnh các chiến sĩ ở đảo Trường Sa chào cờ. Không hiểu sao nhìn hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay giữa muôn vàn trùng khơi biển, đảo em lại thấy xúc động và tự hào nghĩ về anh đã đóng góp bằng cả sự hy sinh, bằng máu thịt, bằng tính mạng cùng với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ để hòa vào cờ, vào hoa, vào Tổ quốc, vào biển, đảo thiêng liêng.
Hỡi người anh yêu quý của em!
Em biết anh nằm lại giữa biển, đảo sẽ lạnh và trống trải, nhưng mới đây thôi, đã có người làng mình, đó là anh An – bạn của anh, trong chuyến công tác ra Trường Sa đã đến tận nơi và thắp hương cho anh, gửi cho anh nắm đất quê hương hòa vào biển cả để anh được đất mẹ ôm vào lòng cho anh bớt hiu quạnh.
Em cũng nghĩ rằng Đảng và Nhà nước, nhân dân, nhất là bộ đội, nhân dân trên đảo, luôn sưởi ấm cho anh và đồng đội. Anh biết không, Trường Sa bây giờ đổi thay nhiều lắm, có những mái nhà khang trang, có điện năng lượng mặt trời để sinh hoạt, kết nối điện thoại, những con đường bê-tông sạch đẹp, trường học cho em thơ con chữ… Đồng đội của anh trong thời bình vẫn luôn chắc tay súng để gìn giữ biển, đảo quê hương.
Đảo gần mà xa, có thể đi hết cả một đời người, em vẫn chưa được đặt chân ra đảo. Nhưng chắc chắn có một điều, mặt trời của chúng ta ngày mai sẽ mọc ở đằng Đông. Ở quê nhà, mọi người sẽ đón ánh bình minh rực rỡ từ bãi biển Cửa Lò, từ đảo Ngư.
Anh ở lại với Trường Sa, với đồng đội anh nhé. Em tin trên khắp mọi miền Tổ quốc, mọi người đều hướng về Trường Sa như một biểu tượng bất tử trong lòng dân tộc. Anh sẽ không còn cô quạnh nữa bởi có bà con, đồng đội, quê nhà, nhân dân luôn sưởi ấm cho anh và đồng đội.
Nếu được thả ngàn hoa đăng vào biển cả và được viết điều ước, em sẽ ước tìm được anh giữa muôn vàn trùng khơi, được một lần cầm trong tay lá cờ Tổ quốc tung bay ở Trường Sa thân yêu!
Mời bạn đọc tham gia 2 cuộc thi
Tại lễ trao giải cuộc thi viết “Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm” lần thứ 4 và cuộc thi ảnh “Thiêng liêng cờ Tổ quốc” lần thứ 3, năm 2023-2024, nhân lễ kỷ niệm 5 năm thực hiện chương trình “Tự hào cờ Tổ quốc”, diễn ra ngày 2-7, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết “Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm” lần thứ 5 và cuộc thi ảnh “Thiêng liêng cờ Tổ quốc” lần thứ 4, năm 2024-2025.
Báo Người Lao Động mời bạn đọc là công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam tham gia viết bài, gửi ảnh dự thi. Thời hạn phát động, nhận bài và ảnh dự thi, tính từ ngày 2-7-2024 đến 31-5-2025. Bạn đọc quét mã QR hoặc truy cập https://nld.com.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-chu-quyen-quoc-gia-bat-kha-xam-pham-va-cuoc-thi-anh-thieng-lieng-co-to-quoc-196240701163723125.htm để xem chi tiết về điều kiện, thể lệ của 2 cuộc thi.
Nguồn: https://nld.com.vn/thu-gui-anh-liet-si-le-ba-giang-19624111620021592.htm