Chiều 5-4, đoàn công tác Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã có buổi làm việc với đại diện nhà đầu tư, hiệu trưởng Trường tiểu học, THCS và THPT Quốc tế Mỹ Việt Nam (Trường quốc tế AISVN) và đại diện phụ huynh học sinh.
Sẽ tìm nguồn tài chính để Trường quốc tế AISVN hoạt động lâu dài
Theo bà Tạ Thị Minh Thư – trưởng phòng quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, buổi làm việc để lắng nghe ý kiến của nhà trường, phụ huynh vì sở tiếp nhận danh sách 28 phụ huynh đồng ý đóng tiền nhưng còn băn khoăn việc trường thực hiện tái cấu trúc, có cơ quan giám sát thu chi không…
Tại buổi làm việc, ông Hồ Quang Trung – thành viên hội đồng trường Trường quốc tế AISVN – cho hay tình hình tài chính của nhà trường gặp nhiều khó khăn, đã nêu ra nhiều phương án mời gọi nhà đầu tư vào hợp tác nhằm duy trì hoạt động của trường.
“Nhà trường đã cam kết về số tiền hỗ trợ, đối với số tiền phụ huynh đã đóng, trường đang có hướng phát hành cổ phiếu đến phụ huynh. Nhà trường sẽ tìm nguồn tài chính để trường hoạt động lâu dài và sẽ có thông báo chính thức đến tất cả phụ huynh”, ông Trung cho hay.
Theo bà Chandra McGowan – hiệu trưởng nhà trường, đến nay trường có khoảng 15 giáo viên nghỉ với nhiều lý do khác nhau. Trường sẽ rà soát lại đội ngũ giáo viên sau kỳ trả lương tháng 3-2024. Các lớp thiếu giáo viên, trường chuyển học sinh xuống phòng thư viện và tự học theo sự giám sát của quản thư (chỉ được học môn toán). Nếu có đầy đủ phí duy trì thì nhà trường vẫn thực hiện chương trình.
“Việc kêu gọi đóng tiền từ phía phụ huynh là rất khó”
Bà Trần Phương Anh – đại diện phụ huynh giám sát hoạt động nhà trường – cho biết: “Trách nhiệm chính của tôi là theo dõi dòng tiền, không phải đứng ra kêu gọi đóng góp. Nhà trường bị mất lòng tin từ phụ huynh là do trường không đưa ra được phương hướng hoạt động lâu dài. Tôi cảm thấy việc kêu gọi đóng tiền từ phía phụ huynh là rất khó”.
Cũng theo bà Anh, phụ huynh không thể đóng tiền (đến hạn hợp đồng) vì họ không nhìn thấy rõ phương hướng hoạt động của nhà trường.
Nhà trường nên thông báo việc sử dụng dịch vụ xe buýt đến phụ huynh trước ít nhất 3 ngày. Bà đề nghị nhà trường đưa ra kế hoạch của chương trình học IB và các phương án dự phòng đến tất cả phụ huynh.
Nhà trường phải thực hiện gấp bảng chấm công cho đội ngũ nhân sự để tổ giám sát thực hiện được thuận lợi và đúng quy định. Phụ huynh rất mong muốn có buổi họp giữa Sở Giáo dục và Đào tạo, nhà đầu tư, hiệu trưởng nhà trường, phụ huynh để tìm lại niềm tin của phụ huynh.
Cần công khai mọi thứ để phụ huynh nắm
Theo bà Lê Thụy Mỵ Châu – phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, thời gian qua sở đã lên rất nhiều phương án và mong muốn của phụ huynh cho con tiếp tục học ở đây.
Sở Giáo dục và Đào tạo đang giám sát hoạt động của trường, của công ty để đảm bảo quyền lợi cho học sinh, giáo viên, nhân viên. Mọi thứ cần phải được công khai để phụ huynh nắm, phòng chuyên môn tiếp tục nắm bắt và giám sát, ghi nhận để kịp thời báo cáo, đề xuất hướng giải quyết. Những trường hợp miễn, giảm phải tính toán cho rõ.
“Nhà đầu tư, nhà trường cần phải có thư cảm ơn, gửi như thế nào để thể hiện sự trân trọng của nhà đầu tư, hội đồng trường đối với nghĩa cử của phụ huynh bởi thời gian qua trường đã hứa nhiều rồi”, bà Châu đề nghị.
Bà Châu cũng nhắc lại việc đã đề nghị nhà đầu tư sớm có phương án cụ thể về việc tái cấu trúc trường trước ngày 15-5.
Đồng thời, bà Châu khẳng định không có việc Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo việc trì hoãn không chi lương cho nhân viên, người lao động người Việt Nam. Trách nhiệm này thuộc về nhà trường. Trường phải có động thái để động viên, trấn an đội ngũ người lao động này.