13h45 ngày 30/3, tại cuộc họp giữa Sở GD&ĐT TP.HCM, Công an TP.HCM, Hội đồng Trường quốc tế Mỹ Việt Nam (Trường quốc tế AISVN) và gần 900 phụ huynh, ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở GD&ĐT TP đã công bố trờ trình báo cáo về việc tái cơ cấu của trường.
Theo tờ trình được Công ty CP Giáo dục quốc tế Mỹ AIS (chủ đầu tư Trường quốc tế AISVN) gửi UBND TP.HCM và Sở GD&ĐT, công ty cho biết sắp tới dự kiến cần khoản chi 125 tỷ đồng. Để có khoản chi này, trường kêu gọi phụ huynh đóng góp. Đây dường như là phương án duy nhất để duy trì hoạt động trường lúc này.
Theo đó, tổng nợ chi lương, vận hành của trường đến thời điểm hiện tại là 48 tỷ đồng. Chi phí vận hành của trường từ tháng 4/2024 đến 6/2024 (kết thúc năm học) là 77 tỷ đồng.
Vì vậy, trường dự kiến khoản thu là 121 tỷ đồng và thu bổ sung vốn lưu động chủ đầu tư 4 tỷ đồng.
“Theo kế toán nhà trường, sẽ chia từng mức đóng. Đóng khoảng 9,5-25 triệu đồng/em, tùy khối lớp. Tuy nhiên, tôi nghĩ mỗi khối lớp, phụ huynh nên cử ra một đại diện tham gia vào tổ tài chính điều hành từ nay đến cuối năm học. Rà soát lại các khoản chi, trên tinh thần chi tinh gọn với nội dung thiết yếu nhất. Đại diện phụ huynh sẽ cử ra nhóm thành lập tài khoản của phụ huynh mới, có phụ huynh điều hành. Tới thời điểm này, tôi nghĩ các phụ huynh có trách nhiệm chung tay đồng hành…”, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM nói.
Khoảng 14h30, bà Nguyễn Thị Út Em – Chủ tịch Hội đồng trường có mặt tại buổi họp. Trước gần 900 phụ huynh học sinh, bà Út Em xin lỗi và tiếp tục trình bày phương án kêu gọi đóng góp.
Kêu gọi của bà Út Em nhận nhiều ý kiến trái chiều từ phụ huynh.
Chị T.H (có 2 con đang theo học tại trường) bức xúc: “Phương án góp thêm tiền chúng tôi đã dự đoán trước, vì hồi tháng 10/2023, bà Út Em cũng đã kêu gọi chúng tôi đóng gần 70 tỷ đồng để duy trì hoạt động trường.
Hiện tại, còn 2 tháng nữa kết thúc năm học, nghĩa là mỗi học sinh sẽ phải đóng khoảng 40 triệu đồng. Đây không phải số tiền nhỏ, nhưng chúng tôi có thể cố gắng. Điều quan trọng là sau khi kết thúc năm học, thì trường sẽ vận hành thế nào, chẳng nhẽ lại tiếp tục vận động phụ huynh. Trong khi đó, hầu hết chúng tôi đều đóng trọn gói cho con đến hết lớp 12 rồi”.
Tương tự, anh T.H (phụ huynh học sinh lớp 9) cũng cho rằng việc kêu gọi phụ huynh góp tiền, xét về lâu dài là không khả thi.
“Mỗi bé học tại trường, đóng theo gói đều trên dưới 3 tỷ đồng/em. Chúng tôi đóng trọn gói là để tìm môi trường giáo dục tốt, ổn định, chứ không phải thế này. Giờ kêu gọi đóng giúp trường, hết năm học lại kêu gọi tiếp hay sao?”, anh T.H nói.
18h28 cùng ngày, Trường quốc tế AISVN gửi email cho toàn thể phụ huynh, khảo sát ý kiến đồng ý hay không việc đóng góp tiền để vận hành trường.
Phiếu khảo sát gồm 3 nội dung: Đồng ý đóng góp kinh phí để duy trì việc vận hành trường đến hết năm học 2023-2023; Không đồng ý đóng góp kinh phí, có nhu cầu chuyển đến cơ sở giáo dục khác; Ý kiến khác.
“Phụ huynh vui lòng chỉ thực hiện khảo sát 1 lần cho tất cả con em đang theo học. Thời gian gửi ý kiến khảo sát trước 21h ngày 30/3“, nội dung email của Trường quốc tế AISVN nêu. Phòng kế toán sẽ gửi email thông tin cụ thể cho từng gia đình về số tiền cần đóng. Sở ban ngành sẽ thông tin tài khoản để phụ huynh đóng góp trong ngày mai (31/3).
Hôm qua (29/3), Trường quốc tế AISVN cũng thông báo kết quả khảo sát nguyện vọng của toàn thể phụ huynh về chương trình học sắp tới của con em của họ.
Kết quả cho thấy, 84,56% số phụ huynh muốn con tiếp tục học tại trường, 3,27% muốn chuyển trường, 5,10% có ý kiến khác và 7,07% chưa nộp kết quả.
Trong 5,10% ý kiến khác, đại đa số phụ huynh mong muốn đảm bảo các cam kết trong hợp đồng đã ký với nhà trường.
Xem xét nguyện vọng của phụ huynh và Hội đồng trường, Sở GD&ĐT TP.HCM cùng Công an TP.HCM đã tổ chức cuộc họp chiều nay. Tuy nhiên, hiện nhà trường và phụ huynh vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Để bảo đảm quyền lợi của học sinh Trường quốc tế AISVN, chấn chỉnh hoạt động đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục bảo đảm đúng quy định và tính nghiêm minh của pháp luật, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND TP.HCM có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp phù hợp, bảo đảm quyền lợi học tập cho học sinh, không để việc học tập của học sinh bị gián đoạn.