CHỦ YẾU HỌC SINH NGHÈO THEO HỌC
Học phí (HP) trường trung cấp, CĐ công lập từ vài trăm ngàn tới 1 triệu đồng/tháng nên hệ thống giáo dục nghề nghiệp được xem là nơi lựa chọn của rất nhiều học sinh (HS) có hoàn cảnh khó khăn theo học.
Bà Phạm Quang Trang Thủy, Hiệu trưởng Trường trung cấp Kỹ thuật – Công nghệ Hùng Vương, cho biết: “Do mặt bằng HP chung của trường nghề rất thấp nên nếu tăng nhiều sẽ rất khó thu hút tuyển sinh. Đầu năm học 2022 – 2023, trường thu HP 12 triệu đồng/năm, tuy nhiên sau đó Chính phủ ra nghị quyết không tăng HP nên trường quay trở lại mức mọi năm là 8,2 triệu đồng”.
Theo bà Thủy, số lượng HS theo học tại trường chủ yếu là tốt nghiệp THCS được nhà nước hỗ trợ HP. Số lượng tốt nghiệp THPT vào trường rất ít, nên năm học tới nếu trường thu HP mức 12 triệu đồng/năm thì ngân sách của trường cũng không tăng bao nhiêu.
Tại Trường trung cấp Việt Giao, năm học tới sẽ không tăng HP, không những thế còn tạo điều kiện cho phụ huynh và HS bằng cách chia nhỏ ra đóng thành nhiều lần. HS nào đóng trọn gói sẽ được giảm 20%. Được biết mức HP hiện tại của trường là 14,3 – 14,8 triệu đồng/năm học tùy ngành.
Thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng Trường trung cấp Việt Giao, chia sẻ: “Mấy năm nay, càng ngày càng có nhiều hoàn cảnh khó khăn đi học nên trường không tăng HP để giảm bớt gánh nặng cho các em”.
Trường CĐ Nghề du lịch Sài Gòn năm học 2023 – 2024 cũng sẽ không tăng HP. Thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Hiện nay nhân lực du lịch đang rất thiếu, trong khi đó những năm dịch khiến cho kinh tế khó khăn, nhiều gia đình vất vả. Chính vì thế trường quyết định 2 năm liên tiếp không tăng HP để hỗ trợ người học, mang cơ hội học nghề đến cho nhiều thí sinh hơn. Mặc dù biết là khó khăn nhưng trường sẽ tự cân đối để làm sao không ảnh hưởng đến chất lượng. Hiện HP của trường giữ mức 11 – 12 triệu đồng/học kỳ”.
PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, cũng thông tin: “Nghị định 81 cho phép năm 2023 thu 12.480.000 đồng/năm nhưng trường chỉ thu 10.000.000 đồng/năm, 2024 là hơn 13 triệu đồng/năm nhưng trường sẽ chỉ thu 11.200.000 đồng/năm. Giáo dục nghề nghiệp đa số chỉ HS có hoàn cảnh khó khăn mới theo học nên trường cũng không dám tăng nhiều mà chỉ một chút để bù phần trượt giá. Ngoài ra cũng muốn đầu tư thêm cơ sở vật chất và thu nhập tăng thêm cho giảng viên”.
Thạc sĩ Bùi Mạnh Tuân, Hiệu trưởng Trường CĐ Công thương TP.HCM, cho rằng trường đang rất dè dặt, cân nhắc trong việc tăng hay không tăng HP, và nghiêng về hướng không tăng. “Tình hình kinh tế khó khăn, không tăng để chia sẻ gánh nặng với người học và để tuyển sinh được ổn định. Tuy nhiên, trường nào cơ sở vật chất còn chưa tốt thì sẽ không đủ kinh phí để đầu tư”, thạc sĩ Tuân nêu.
NỖI LO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO
Hiện nay các trường nghề công lập dù tăng hay không tăng HP thì hằng năm vẫn được nhà nước chi đầu tư và chi thường xuyên hàng chục tỉ đồng tùy trường. Trong khi đó trường ngoài công lập không có khoản nào nên không tăng HP ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động đào tạo và đầu tư.
Theo thạc sĩ Quỳnh Xuân, với mức HP thấp và không tăng, việc đầu tư vào cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng cho giảng viên trường phải tự cân đối mặc dù gặp nhiều khó khăn.
“Tôi muốn đề xuất một vấn đề nhỏ và hoàn toàn có thể thực hiện được, đó là vấn đề đào tạo giảng viên. Lâu nay giảng viên của cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được hưởng chính sách đào tạo trong và ngoài nước, trong khi giảng viên trường ngoài công lập không được tham gia bất cứ chương trình đào tạo nào, vẫn phải tự bỏ kinh phí”, thạc sĩ Quỳnh Xuân chia sẻ.
Bài toán trường nghề HP thấp dẫn đến cơ sở vật chất và giảng viên khó được đầu tư mạnh, có thể ảnh hưởng chất lượng đào tạo, từ đó lại khó thu hút tuyển sinh, khiến lãnh đạo các trường đau đầu, nhất là trường ngoài công lập.
Đề nghị sớm đổi từ cơ chế cấp phát ngân sách sang đặt hàng
Tiến sĩ Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông, nhận định: “Ngân sách đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp không có các trường ngoài công lập, cả chi đầu tư lẫn chi thường xuyên. Cần thực hiện theo Chỉ thị 21 của Ban Bí thư bằng cách có cơ chế đặt hàng và nhà nước sẽ chi ngân sách cho các trường đã đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp mà không phân biệt công tư. Chẳng hạn trường tôi có 300 sinh viên tốt nghiệp được doanh nghiệp tuyển dụng thì nhà nước sẽ chi ngân sách đào tạo cho 300 em này, có thể là một phần, giống như trường công vẫn được chi thường xuyên khoảng 7 triệu đồng mỗi em”.
Chỉ thị số 21-CT/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Ban Bí thư đã nêu “Chuyển nhanh cơ chế cấp phát ngân sách sang đặt hàng, giao nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác công – tư nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nhiều nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực, địa bàn mà khu vực ngoài công lập có thể tham gia; bảo đảm chính sách bình đẳng đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và ngoài công lập”.
Theo tiến sĩ Hải, nếu thực hiện đúng như chỉ thị, các trường nghề ngoài công lập mới có thêm ngân sách đầu tư vào cơ sở vật chất, giảng viên, chất lượng đào tạo để thu hút tuyển sinh. “Nếu để các trường phải trông chờ hoàn toàn vào nguồn thu HP vốn đã rất thấp và không thể tăng vì hầu hết người học đều có hoàn cảnh khó khăn, thì rất khó để tồn tại và phát triển”, thạc sĩ Hải nhìn nhận.