Chiều 6-6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi Đại học Quốc gia Hà Nội về việc bảo đảm các nguyên tắc cơ bản trong tuyển sinh.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, bộ đã nhận được kiến nghị của một số cá nhân và phản ánh trên một số phương tiện truyền thông về công tác xét tuyển đại học năm 2024 của Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong đó có một số tiêu chí và điều kiện xét đến đặc điểm cá nhân về chiều cao và thị lực.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội khẩn trương chỉ đạo Trường Quản trị và Kinh doanh nghiêm túc rà soát các tiêu chí và điều kiện xét tuyển của nhà trường trong đề án tuyển sinh đại học năm 2024 theo quy định tại điều 4 về nguyên tắc cơ bản trong tuyển sinh của quy chế.
“Để bảo đảm công bằng đối với thí sinh về cơ hội dự tuyển, nhà trường phải tuân thủ và bảo đảm không để thí sinh nào bị mất cơ hội dự tuyển do những quy định không liên quan tới trình độ, năng lực (trừ những quy định của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng mang tính đặc thù trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh); hoặc do quy trình tuyển sinh gây phiền hà, tốn kém”, công văn nêu rõ.
Điều 13, Luật Giáo dục nêu rõ quyền và nghĩa vụ học tập của công dân như sau:
1. Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập.
2. Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo môi trường giáo dục an toàn, bảo đảm giáo dục hòa nhập, tạo điều kiện để người học phát huy tiềm năng, năng khiếu của mình.
3. Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho người học là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật Trẻ em, người học là người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật, người học thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập.
Xét tuyển dựa vào chiều cao không có cơ sở khoa học
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), cho hay việc chọn ngoại hình để tuyển sinh có thể áp dụng cho một số lĩnh vực đòi hỏi có chiều cao và thể lực tốt như khối công an, quân đội.
Theo ông Vinh, việc tuyển sinh mà lựa chọn chiều cao như Trường Quản trị và Kinh doanh là không có cơ sở khoa học.
“Không có nghiên cứu khoa học nào khẳng định rằng chiều cao là một yếu tố quyết định thành công trong lĩnh vực quản trị và kinh doanh.
Ví dụ, tỉ phú Jack Ma, người sáng lập Alibaba, chỉ cao khoảng 1m53 nhưng đã trở thành một trong những doanh nhân thành công nhất thế giới nhờ vào sự kiên trì, tầm nhìn và khả năng lãnh đạo xuất sắc”, ông Vinh dẫn chứng.
Theo ông Vinh, điều kiện xét tuyển dựa trên chiều cao có thể bị xem là không công bằng và vi phạm nguyên tắc bình đẳng cơ hội trong giáo dục. Chính sách này có thể loại bỏ nhiều thí sinh có năng lực và tài năng đáng kể chỉ vì họ không đạt yêu cầu về chiều cao.
Ngoài ra, chính sách này có thể tạo ra sự bất bình đẳng giới, vì chiều cao trung bình của nam và nữ có sự chênh lệch tự nhiên. Điều này không chỉ gây thiệt thòi cho các thí sinh mà còn làm giảm cơ hội tìm kiếm và phát triển những tài năng thực sự cho ngành học và cho xã hội.
“Chính sách này còn sai cả sứ mệnh của giáo dục là tập trung vào việc phát triển toàn diện các kỹ năng và năng lực cần thiết cho sinh viên, thay vì chú trọng vào những yếu tố bên ngoài như chiều cao.
Một nhà lãnh đạo giỏi không phải là người cao nhất trong phòng, mà là người có khả năng truyền cảm hứng, đưa ra quyết định sáng suốt và lãnh đạo đội ngũ một cách hiệu quả.
Hơn nữa không ai học xong ngành quản trị kinh doanh đều có thể làm lãnh đạo quản lý cả, tạo ra sự ngộ nhận cho sinh viên.
Đây cũng có thể là một chiêu trò marketing để tạo ra tình huống “hàng hiếm”, nó có thể gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ công chúng và ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Một trường đại học danh tiếng cần phải giữ gìn các tiêu chuẩn đạo đức và giáo dục cao, thay vì sử dụng những chiêu trò tiếp thị gây tranh cãi”, ông Vinh nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/truong-khong-xet-tuyen-thi-sinh-thap-lun-bo-gd-dt-yeu-cau-ra-soat-tieu-chi-tuyen-sinh-20240606183522659.htm