Tại Ngày hội tư vấn lựa chọn nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ 2023 diễn ra ngày 22.7 do Báo Tuổi Trẻ tổ chức ở TP.HCM, các chuyên gia đã chỉ ra những điều đáng lưu ý để thí sinh bảo đảm quyền lợi của mình, trong bối cảnh chỉ vài ngày nữa Bộ GD-ĐT sẽ “chốt sổ” đăng ký nguyện vọng.
Khi nào không áp dụng điểm ưu tiên?
Tiến sĩ Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết việc đăng ký xét tuyển ĐH năm 2023 sẽ kết thúc vào 17 giờ ngày 30.7. “Đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng ra sao là quyền của thí sinh, không trường nào được ‘ép’ thí sinh đặt nguyện vọng trúng tuyển sớm lên đầu tiên, hay yêu cầu nhập học sớm”, tiến sĩ Nghệ cảnh báo.
Bên cạnh đó, dù đã được các trường thông báo trúng tuyển sớm, thí sinh cũng phải đăng ký ở hệ thống chung của Bộ GD-ĐT để được công nhận, nếu không sẽ “từ trúng thành trượt”. “Hệ thống hỗ trợ thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất trong số những nguyện vọng đã đăng ký và đủ điều kiện trúng tuyển”, ông Nghệ lưu ý.
Mặt khác, thạc sĩ Lê Văn Hiển, phụ trách Phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết tất cả thứ tự nguyện vọng đều được xét bình đẳng như nhau giữa các thí sinh, dù xếp ở vị trí thứ 1 hay thứ 10. Trường sẽ không phân biệt thứ tự nguyện vọng của thí sinh, mà ai có điểm cao hơn thì trúng tuyển, theo ông Hiển.
“Do vậy, thí sinh hãy đặt nguyện vọng yêu thích nhất xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT ở đầu tiên, nguyện vọng trúng tuyển sớm có thể xếp sau cùng nếu các em vẫn chưa ưng ý”, thạc sĩ Hiển cho hay.
Về quy chế tuyển sinh ĐH năm 2023, tiến sĩ Phạm Như Nghệ thông tin một quy định mới về việc cộng điểm ưu tiên theo khu vực, đối tượng. Cụ thể, với những trường hợp đạt từ 22,5 điểm trở lên (theo tổng điểm 3 môn khối xét tuyển-PV), điểm cộng sẽ giảm dần và về 0 ở mức tối đa là 30 điểm. “Điều chỉnh này nhằm đảm bảo công bằng giữa các thí sinh”, ông Nghệ khẳng định.
Ngoài ra, thí sinh cũng cần tìm hiểu về điểm sàn các nhóm ngành sức khỏe, sư phạm mà Bộ GD-ĐT vừa công bố để đặt nguyện vọng phù hợp. “Đăng ký nguyện vọng cũng cần xuất phát từ hai yếu tố, thứ nhất là phù hợp với năng lực và mong muốn, thứ hai là phù hợp với điều kiện điểm số và tài chính gia đình”, tiến sĩ Nghệ khuyên.
Ngành nào thường không tuyển sinh bổ sung?
Đặt câu hỏi với các chuyên gia tuyển sinh trường y, ông Thành Danh, phụ huynh tại Tiền Giang có con và cháu đều xét tuyển khối B, thắc mắc liệu điểm chuẩn hệ đào tạo theo địa chỉ sử dụng có thấp hơn điểm chuẩn chính thức, và ngành y có tuyển sinh bổ sung không?
Phản hồi vấn đề này, tiến sĩ Phạm Như Nghệ thông tin việc xét tuyển vào ngành y sẽ không phân biệt thí sinh theo địa chỉ sử dụng do địa phương “đặt hàng” hay thí sinh thông thường.
“Xét tuyển ĐH phải công bằng. Muốn vào y khoa, thí sinh theo địa chỉ sử dụng phải đủ điều kiện đầu vào như người khác, không thể thấp hơn. Tức điểm chuẩn sẽ bình đẳng. Nếu có xét tuyển bổ sung, điểm chuẩn đợt 2 cũng sẽ phải bằng hoặc cao hơn đợt đầu”, ông Nghệ nêu quan điểm.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết theo quan sát cá nhân, hầu hết các trường đào tạo khối ngành y dược không bao giờ tuyển sinh bổ sung. “Nhà trường đã dự kiến chỉ tiêu dựa trên tỷ lệ nhập học các năm trước. Một số ngành còn nâng chỉ tiêu để dự phòng trường hợp sinh viên nghỉ học”, ông Khôi lý giải.
Phụ huynh của em Ngô Hoàng Lê Minh, cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), thì băn khoăn đối với mức học phí quá cao của ngành răng hàm mặt, liệu có chính sách nào hỗ trợ sinh viên hoàn thành việc học nếu gia đình chẳng may “đứt gánh” tài chính?
Giải đáp phụ huynh, PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi cho biết các trường đều trích tối thiểu 8% tổng thu học phí để bố trí quỹ học bổng khuyến khích học tập. “Như vậy, sinh viên có thể nhận được học bổng 25-100% học phí dựa trên kết quả học tập, rất công bằng với nỗ lực của các em. Ngoài ra, trường cũng có quỹ học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn”, ông Khôi lưu ý.