Trao đổi với VietNamNet, một chuyên gia về giáo dục đại học và cũng có nhiều năm làm công tác đào tạo sau đại học cho hay, nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang) vốn tốt nghiệp đại học ngành Luật hệ vừa học vừa làm. Việc học đại học xong, học viên Vương Tấn Việt được nhận vào làm nghiên cứu sinh học tiến sĩ là chuyện rất đặc biệt.

“Bởi hệ chuyên tiếp thẳng học luôn tiến sĩ từ cử nhân thường chỉ dành cho những sinh viên cực kỳ xuất sắc. Còn thông thường, sau tốt nghiệp cử nhân chỉ cho học thạc sĩ. Chưa kể, việc học thẳng thạc sĩ từ cử nhân mà không cần thi vào đã là rất hiếm”, vị này nói. Do đó, theo ông, đây là trường hợp hết sức đặc biệt.

“Có thể nói, một năm ở Việt Nam cũng chỉ có khoảng 10 người làm được việc này tức là phải diện siêu giỏi hoặc có những đóng góp, phát hiện rất mới, đặc biệt mới được các nhà trường đưa vào danh sách tuyển thẳng làm nghiên cứu sinh. Trong trường hợp của học viên Vương Tấn Việt, mọi người cũng rất băn khoăn, luận văn tốt nghiệp đại học của ông có gì đặc biệt, để được nhận vào làm nghiên cứu sinh”, chuyên gia nói.

Ngoài ra, về quy trình và tổng thời gian đào tạo tiến sĩ, theo vị này, từ thời điểm được công nhận là nghiên cứu sinh vào tháng 12/2019 cho đến thời điểm bảo vệ là tháng 12/2021, tức tròn 2 năm.

“Mặc dù phía Trường ĐH Luật Hà Nội cũng có thông cáo báo chí ngày 25/6, giải thích đã làm đúng luật nhưng tôi cho rằng vẫn sai. Bởi bản thân quy định về tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ của nhà trường cũng ghi nếu trong trường hợp cực kỳ xuất sắc, thời gian đào tạo được rút ngắn 1 năm.

Quy chế hiện tại nêu thời gian đào tạo tiêu chuẩn từ nghiên cứu sinh có bằng đại học nhưng chưa có bằng thạc sĩ cùng nhóm ngành là 4 năm. Như vậy, nếu có rút ngắn đi 1 năm vẫn phải còn 3 năm. Như thế học viên Vương Tấn Việt vẫn thiếu 1 năm theo quy chế đào tạo của chính Trường ĐH Luật Hà Nội”, vị này nói.

Theo chuyên gia, khi học thẳng từ cử nhân lên tiến sĩ, học viên phải học bù phần còn thiếu của chương trình thạc sĩ.

“Thông tư 08/2017/TT-BGD-ĐT của Bộ GD-ĐT quy định đối với nghiên cứu sinh chưa có bằng thạc sĩ phải học các học phần bổ sung bao gồm các học phần ở trình độ thạc sĩ thuộc ngành hoặc chuyên ngành tương ứng; có khối lượng kiến thức tối thiểu 30 tín chỉ để đảm bảo đạt chuẩn đầu ra. Nhưng theo phía Trường ĐH Luật Hà Nội, nghiên cứu sinh này đã hoàn thành 43 tín chỉ.

Như vậy nếu tổng thời gian đào tạo tiến sĩ là 2 năm, đã mất 1 năm (giả định không làm việc gì ở những nơi khác) và chỉ còn 1 năm để học chương trình tiến sĩ (7 học phần theo như Trường ĐH Luật Hà Nội thông tin) và viết luận án. Có nghĩa rằng khối lượng học tập khổng lồ, nếu không muốn nói là khủng khiếp và học viên này rất khó có thể làm được, nếu được thực hiện đúng quy trình”, chuyên gia thông tin. Cũng theo chuyên gia giáo dục, để làm được công suất làm việc phải gấp đôi một người thường. 

“Tôi đã chứng kiến các sinh viên năm cuối và các bạn học thạc sĩ với 30 tín chỉ/năm là đã ‘bạc cả mặt’. Để làm được những điều trên, học viên Vương Tấn Việt phải hoạt động với cường độ rất cao”. 

Chưa kể, theo chuyên gia này, từ khi nghiên cứu sinh này làm đơn xin bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường cho đến khi được bảo vệ luận án, thời gian cũng rất ngắn, chỉ 2 tháng (3/10/2021-3/12/2021). “Đây cũng là một điều không tưởng. Bởi khi làm đơn xin bảo vệ luận án cấp trường sẽ phải qua khâu phản biện độc lập. Thông thường người nhận phản biện độc lập sẽ có thời gian từ 4-6 tuần để trả lời về luận án. Với 2 phản biện độc lập, kể cả trong trường hợp nhanh nhất cũng phải mất 2 tháng.

Có nghĩa rằng từ khi nhận được ý kiến phản biện độc lập cho đến khi bảo vệ, mà thời gian để sửa luận văn chỉ khoảng 1-2 tuần tôi cho rằng không hợp lý. Chưa kể còn phải mất thời gian in ấn, đóng quyển, gửi hội đồng; rồi hội đồng bảo vệ còn cần thời gian từ 3 đến 4 tuần để đọc, nghiên cứu luận án đó để đưa ra ý kiến nhận xét, đóng góp; hay còn phải gửi xin ý kiến của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực có liên quan (thời gian này thường kéo dài từ 2-3 tháng)…”, vị này phân tích.

Do đó, chuyên gia cho rằng, quá trình đào tạo và cấp bằng tiến sĩ đối với học viên Vương Tấn Việt là một quy trình “rút gọn”, có những điểm không hợp lý. “Thời gian như Trường ĐH Luật Hà Nội đưa ra chỉ gói gọn trong 2 tháng là cực kỳ khó và nếu có diễn ra thực không đảm bảo chất lượng của việc phản biện độc lập cũng như nhận xét, đóng góp của hội đồng hay rộng hơn việc đảm bảo chất lượng của hoạt động đào tạo có vấn đề vì thần tốc quá”.

Một chuyên gia giáo dục khác cũng đặt ra thắc mắc: “Thượng tọa Thích Chân Quang hoàn tất việc học và có bằng tiến sĩ chỉ trong vòng hơn 2 năm. Trong khi, ông lại không phải dành thời gian học tập trung và làm nghiên cứu sinh mà còn làm những công việc khác ở chùa, quỹ thời gian có hạn. Thời gian đâu để làm phần khảo sát thực tế, thực nghiệm, điều tra xã hội học? Kể cả có mạng lưới điều tra rất lớn nhưng cũng phải có thời gian và xử lý số liệu. Đó là những điều mà hội đồng cần xem xét lại”.

Chuyên gia giáo dục này cũng băn khoăn việc Trường ĐH Luật Hà Nội đã sắp xếp, tổ chức các lớp học của học viên Vương Tấn Việt như thế nào để hoàn tất việc học tiến sĩ được nhanh như vậy. 

“Câu hỏi cần đặt ra với Trường ĐH Luật Hà Nội là vậy có bao nhiêu nghiên cứu sinh làm được như trường hợp ông Vương Tấn Việt? Thực tế, theo quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ mới gần như không có trường hợp nào làm được như vậy. Thậm chí, ngay cả những giảng viên dạy trong môi trường đại học, suốt ngày nghiên cứu và có thể nói làm full-time còn không làm nhanh được như vậy”, vị này nói.

Ngày 25/6, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi Trường ĐH Luật Hà Nội yêu cầu báo cáo về quá trình tuyển sinh, đào tạo với nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt, tức thượng tọa Thích Chân Quang.  Công văn của Bộ GD-ĐT nêu: “Hiện nay, có nhiều thông tin trái chiều về việc tuyển sinh, đào tạo và cấp bằng tiến sĩ đối với ông Vương Tấn Việt tại Trường ĐH Luật Hà Nội. Để có thông tin đầy đủ, Bộ GD-ĐT đề nghị Trường ĐH Luật Hà Nội khẩn trương báo cáo cụ thể về quá trình tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ (bao gồm cả việc nộp hồ sơ phản biện, bảo vệ luận án…) và có minh chứng kèm theo đối với hồ sơ của ông Vương Tấn Việt”. 

Trong công văn, Bộ GD-ĐT đưa ra thời hạn Trường ĐH Luật Hà Nội phải báo cáo là trong ngày 26/6.  

Lê Anh

ĐH Luật Hà Nội nói rõ quy trình cấp bằng tiến sĩ cho Thượng tọa Thích Chân Quang

ĐH Luật Hà Nội nói rõ quy trình cấp bằng tiến sĩ cho Thượng tọa Thích Chân Quang

Trường ĐH Luật Hà Nội vừa thông tin về quá trình đào tạo và cấp bằng tiến sĩ của học viên Vương Tấn Việt (tức Thượng tọa Thích Chân Quang). Trường cho hay, tổng thời gian đào tạo đáp ứng và tuân thủ quy chế đào tạo tiến sĩ của Bộ GD-ĐT.