Tại huyện miền núi Minh Hoá (Quảng Bình), địa bàn khó khăn cắt trở là một trong những yếu tố cản bước nhiều học sinh tới trường. Cuộc sống của gia đình cũng bộn bề khó khăn càng khiến các em thiếu đi động lực.
Theo thầy Đinh Thiên, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Dân Hóa, điều kiện sống cũng như sinh hoạt của đa số người dân địa phương tại một số bản còn rất nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Học sinh còn thiếu ăn, thiếu mặc, phải làm lụng kiếm ăn… Miếng ăn còn không có, nói gì đến suy nghĩ tìm con chữ khi bụng đói. Nên nhiều học sinh có nguy cơ bỏ học cao.
Do vậy, trước thềm năm học mới, đội ngũ cán bộ giáo viên nhà trường đã phải thường xuyên đi tới tận nhà để vận động học sinh và chở các em đến lớp.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) hiện có 27 lớp với khoảng 600 học sinh. Trong đó, bên cạnh điểm trường chính, cấp Tiểu học còn có 4 điểm trường là Ba Loóc, Hà Nôông – Tà Rà; Ka Định và Tà Leng, thuận lợi hơn cho con em các bản gần đó đến học chữ.
Tại điểm trường Ba Loóc, bên cạnh việc đến tận nhà để động viên các học sinh nhỏ, thầy cô giáo cùng phụ huynh cũng đã sửa sang lại cơ sở vật chất, dọn dẹp vệ sinh khuôn viên trường, trang trí lớp học để các em vui tươi hơn khi thấy không gian học mới. Các hàng rào bằng tre nứa được đan bện tạo khuôn viên xung quanh không gian học tập. Điểm trường vùng bản cao nhờ thế mà có dáng dấp và tinh thần hơn hẳn trước thềm năm học mới.
Cùng với đó, giáo viên “cắm bản” vốn đã hiểu rõ hoàn cảnh gia đình, tâm lý của từng học sinh. Từ đó, các thầy cô luôn quan tâm, hỗ trợ các em học sinh trong cuộc sống và đưa ra các phương pháp dạy học phù hợp khi trên lớp. Phụ huynh thông qua công tác tuyên truyền, trao đổi, đã hiểu tâm tư của thầy cô cũng như lợi ích của việc học, dần dần yên tâm cho con em đến trường.
Đối với trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thượng Hoá, huyện Minh Hoá, các thầy cô cũng đã chỉnh trang lại phòng học; sắp xếp, lau dọn thư viện ngăn nắp, gọn gàng, sẵn sàng để chờ đón các học trò trở lại trường.
Thêm vào đó, trường học vùng miền núi nhưng lại xây tại địa điểm mới nên các thầy cô cũng trồng thêm cây xanh cho các khoảng đất trống, tạo khuôn viên có bóng mát và cũng là sân chơi cho học sinh. Đặc biệt, vườn trải nghiệm của trường được nhân viên và thầy cô cuốc đất, sửa sang, mang đến những hoạt động vui chơi song hành bên cạnh việc học đọc, học chữ, như những học sinh khác ở vùng xuôi yêu thích trải nghiệm.
Xôn xao ở trong các lớp học là 1 vài học sinh đang ôn tập lại con chữ cùng thầy cô giáo, theo chương trình dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số trước thềm năm học mới. Không khí làm việc trong khuôn viên nhà trường, dạy và học tại một số lớp học luôn tất bật, khẩn trương.
Ngôi trường của xã Thượng Hoá hiện có 3 điểm trường, trong đó điểm trường chính đóng tại Bản Yên Hợp, 2 điểm còn lại đóng tại bản Ón và bản Mò O Ồ Ồ. Sỉ
số 161 học sinh của trường đều là tộc người Rục, người Sách thuộc dân tộc Chứt.
Thầy Phan Thế Dũng, Hiệu trưởng trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thượng Hóa chia sẻ, ngôi trường của vùng cao đóng nơi biên giới, với kinh tế – xã hội còn đang khó khăn. Tuy nhiên, bằng tình cảm, trách nhiệm của người giáo viên, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, giáo viên trong trường luôn nỗ lực vượt thách thức, không quản ngại khó khăn để công tác dạy học trong năm học mới 2024 – 2025 được đảm bảo, học sinh vùng cao vui tươi đến trường để dựng xây quê hương vùng khó trong tương lai.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/giao-duc–y-te1/truong-hoc-vung-cao-quang-binh-chuan-bi-cho-nam-hoc-moi–i385994/