Ngồi trên bãi cỏ ở bìa rừng, một nhóm em nhỏ cùng nhau cặm cụi xếp các cành cây nhặt được thành hình chữ nhật, hình ngũ giác và hình lục giác. Đây là một tiết học khoa học của học sinh Trường tiểu học Vezin, thuộc tỉnh Andenne của Bỉ.
Tiết hình học diễn ra trong một không gian xanh rộng, là một phần của chương trình “Trường học ngoài trời” do mạng lưới các hiệp hội đào tạo và hỗ trợ giáo viên tổ chức.
Lớp học đặc biệt gồm 25 học sinh lớp 5-6 được tổ chức tại đồng cỏ xanh mướt. Bên cạnh cô giáo phụ trách, còn có một cố vấn giáo dục đến từ một trong các hiệp hội hỗ trợ. Bắt đầu tiết học, giáo viên cho học sinh ngồi thành vòng tròn để các em tự giới thiệu, nhằm tìm hiểu về “dự báo thời tiết cảm xúc” của mỗi học sinh. Buổi học kéo dài khoảng một tiếng rưỡi, với giáo trình có các nội dung về công thức hình học, phép tính phân số hoặc các bài toán khác được biên soạn đặc biệt thích hợp với buổi học ngoài trời.
Theo giáo viên phụ trách lớp, học sinh rất thích được tiếp xúc với thiên nhiên, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 buộc các em phải trải qua thời gian dài hạn chế ra ngoài, trong khi ở trường thì các em lại phải ngồi yên suốt hàng giờ.
Các phương pháp đã được thử nghiệm trong 2 năm qua với sự tham gia của khoảng 500 trường học ở vùng Wallonie, chủ yếu là các trường mầm non và tiểu học. Vấn đề hiện nay là thiếu các nhân viên sư phạm thực hành phương pháp này. Lãnh đạo Cơ quan Môi trường Wallonie, Céline Tellier, cho biết giai đoạn phong tỏa, các trường học có nhu cầu rất lớn triển khai phương pháp học tập mới nhưng lại thiếu người được đào tạo sư phạm nên các cơ quan chức năng đang tìm cách khắc phục.
Sandrine Damsin, Hiệu trưởng Trường Vezin, là một trong những người đam mê phương pháp giáo dục gắn kết thiên nhiên “vì hạnh phúc và sự xoa dịu” – một trong những đặc điểm của các phương pháp giáo dục “Steiner-Waldorf, Montessori”. Đây là 2 phương pháp sư phạm do 2 nhà giáo dục nổi tiếng là Rudolf Steiner và Maria Montessori phát triển. Cả hai phương pháp này đều nhấn mạnh vào việc phát triển toàn diện cho trẻ em, bao gồm cả khía cạnh về trí tuệ, tinh thần và thể chất. Bàn về phương pháp giáo dục này, Hiệu trưởng Sandrine Damsin nhấn mạnh, khi hòa mình vào thiên nhiên, trẻ em sử dụng tất cả giác quan của chúng: chạm, nhìn, nghe, ngửi. Các em thực sự chú ý hơn, trải nghiệm học tập và do đó sẽ ghi nhớ tốt hơn.
Theo các chuyên gia, việc kết hợp giáo dục truyền thống với hoạt động ngoài trời là cách hiệu quả để khuyến khích sự tò mò, sáng tạo và phát triển toàn diện của học sinh. Những kinh nghiệm này sẽ tiếp tục cung cấp cho học sinh những cơ hội học tập và trải nghiệm mới mẻ, giúp các em trở thành những công dân tự tin và có trách nhiệm đối với môi trường, xã hội.
LAM ĐIỀN