Lâu nay ngành giáo dục thường gắn với khẩu hiệu: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Thời gian gần đây thêm xu hướng mới là xây dựng trường học hạnh phúc. Để thực hiện điều này, nhiều trường học đã đề ra những nội quy vừa phù hợp với xu thế xã hội vừa hướng đến tính nhân văn.
Tôn trọng sự khác biệt của học sinh
Tính nhân văn thể hiện ở chỗ nội quy nhà trường là những định hướng giáo dục, cơ sở để rèn luyện thói quen, nhân cách chứ không phải là sự trói buộc, khắt khe nặng nề. Nội quy trường học càng không phải là công cụ để xử lý học sinh vi phạm.
Chẳng hạn, thay vì cấm học sinh tô son như lâu nay, thời gian gần đây nhiều trường THPT cho phép học sinh nữ được dùng son môi nhưng không lòe loẹt. Năm nay, nội quy của Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú, TP.HCM) có mấy ý rất mới: “Học sinh phải tôn trọng sự khác biệt của các học sinh trong lớp”.
Để học sinh là chính mình, được mặc màu áo mình yêu, tập bài thể dục do mình cùng lựa chọn là cách Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) tạo nên trường học hạnh phúc, truyền thêm cảm hứng cho các học sinh của mình từ năm 2019.
“Ngày thứ sáu vui vẻ” là nét đặc biệt của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Vào ngày đó, học sinh được mặc trang phục mình yêu thích. Mỗi lớp sẽ chọn những màu sắc trang phục khác nhau và được tập bài thể dục theo “gu” của mình…
Những năm gần đây, một số trường học cũng cho học sinh “mặc đồ tự do” (với một số quy định) vào ngày thứ sáu hàng tuần để tập rèn luyện tính năng động, tập thói quen ăn mặc lịch sự, văn hóa khi ra đời cho các em.
Không nặng nề với việc mang điện thoại đến trường
Hiện nay công nghệ phát triển rất mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến mọi lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Biết tận dụng công nghệ là một lợi thế rất lớn. Vì thế mà, trừ khối lớp tiểu học, còn từ bậc THCS trở lên, nhiều trường không cấm học sinh mang điện thoại, máy tính bảng, laptop đến trường.
Giáo viên tại một trường THPT ở Q.3, TP.HCM cho biết: “Nội quy trường tôi không cấm học sinh mang điện thoại đến trường. Trường cho phép các em được sử dụng để giải trí trong khuôn viên trường vào giờ chơi, giờ nghỉ và những tiết học nếu giáo viên yêu cầu”.
Với cách dạy học theo hướng mở như hiện nay, học sinh tận dụng công nghệ số ngay trong tiết học là một lợi thế. Hơn nữa, những năm trở lại đây, ngành giáo dục đang chủ trương vừa dạy trực tiếp vừa ứng dụng các phần mềm để dạy học trực tuyến. Nên việc trang bị các thiết bị phục vụ cho việc dạy học trong lớp học là cần thiết. Việc sử dụng các thiết bị công nghệ số phục vụ cho việc học và kiểm tra đánh giá được chú trọng từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Một số trường như THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TP.HCM), THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú, TP.HCM)… đã cho học sinh sử dụng thiết bị điện thoại, máy tính bảng, laptop để kiểm tra trực tuyến. Lãnh đạo nhiều trường còn chủ trương phủ sóng wifi toàn trường để phục vụ cho việc dạy học và giải trí của học sinh, giúp cho việc cập nhật thông tin nhanh chóng. Giáo viên và học sinh dễ dàng trao đổi bài học, thông tin, tiết kiệm thời gian, tài chính so với việc in ấn các văn bản.
Nhiều trường đã gắn camera trong trường và lớp học. Việc điểm danh học sinh hiện nay ở một số trường THPT tại TP.HCM qua nhận diện khuôn mặt bằng máy quét (trực tiếp, hoặc bằng thẻ có hình)…
Những nội quy theo kịp xu thế này hoàn toàn không khiến học sinh giảm đi tính kỷ luật mà còn giúp các em thấy mình được tôn trọng nên càng gắn bó và hạnh phúc mỗi ngày đến trường. Từ niềm vui đến trường sẽ khiến các em có động lực học tốt hơn, phấn đấu hơn trong rèn luyện phẩm chất.