14:02, 13/02/2025
BHG - Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng 13.2, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Trưởng đoàn Lý Thị Lan tham gia thảo luận tại tổ. Ảnh: CTV |
Tham gia phát biểu thảo luận tại tổ 6 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hà Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Định; Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan đóng góp nhiều ý kiến vào dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Đại biểu đồng tình và thống nhất cao với việc sửa đổi toàn diện luật lần này với các lý do, cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn, quan điểm đã được nêu trong tờ trình của Chính phủ.
Về các nội dung cụ thể của dự án luật, đại biểu Lý Thị Lan cho biết tại điểm d, khoản 3, Điều 5 dự thảo luật có quy định tiêu chuẩn của đại biểu HĐND. Đại biểu cho biết, trong giai đoạn hiện nay khi chúng ta đang thực hiện chuyển đổi số thì cần có quy định cụ thể về học vấn, học vị, học hàm đối với đại biểu HĐND, bởi nếu trình độ của đại biểu HĐND được đảm bảo và nâng cao thì chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND các cấp sẽ tốt hơn.
Liên quan đến quy định về ủy quyền cho chính quyền địa phương (quy định tại Điều 15). Trường đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho biết tại Khoản 1 Điều 15 của dự thảo luật quy định: “Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện ủy quyền cho..., đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mình” là chưa hợp lý, vì UBND, Chủ tịch UBND là cơ quan quản lý nhà nước, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước được giao thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong phạm vi lãnh thổ địa phương (cấp tỉnh, huyện). Còn đối với đơn vị sự nghiệp công lập chỉ được giao nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước. Dự thảo Luật lại quy định như vậy thì không hợp lý và không đúng với chuyên môn, nghiệp vụ của đơn vị sự nghiệp công lập; theo đó các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ không thể thực hiện hoặc không thể thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước mà được UBND, Chủ tịch UBND ủy quyền cho. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại quy định này.
Cũng tại Điều 15 (Khoản 5) dự thảo luật quy định: “Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được ủy quyền có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân ủy quyền điều chỉnh nội dung, phạm vi, thời hạn ủy q ưuuyền; không được ủy quyền tiếp nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được ủy quyền”. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các bên ủy quyền và bên được ủy quyền trong luật.
Về nhiệm vụ quyền hạn của UBND và Chủ tịch UBND các cấp: Trưởng đoàn Lý Thị Lan cho biết, dự thảo luật đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phân định thẩm quyền, phân quyền của UBND và Chủ tịch UBND các cấp khá rõ ràng và chi tiết, tuy nhiên về mặt thực tế sẽ vẫn không thể bao quát được hết toàn bộ các vấn đề của xã hội. Trong trường hợp các vấn đề phát sinh cần phải được phê duyệt, quyết định mà không nằm trong các quy định đã được liệt kê trong dự thảo luật thì sẽ thuộc thẩm quyền quyết định của cấp nào? Theo đại biểu, việc này cần phải làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm, tránh trường hợp khi có vấn đề phát sinh thì các cơ quan sẽ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau mà không ai dám quyết định và chịu trách nhiệm quyết định của mình. Đại biểu đề xuất Ban soạn thảo xem xét bổ sung thêm 1 khoản hoặc 1 điểm vào nội dung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND mỗi cấp hoặc Chủ tịch UBND mỗi cấp là: “Thực hiện các nhiệm vụ khác không thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân.
Duy Tuấn (tổng hợp)
Nguồn: https://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202502/truong-doan-dbqh-tinh-ha-giang-ly-thi-lan-thao-luan-ve-du-an-luat-to-chuc-chinh-quyen-dia-phuong-sua-doi-dc82f6c/
Bình luận (0)