Một ngành học tuyển gần 5.500 thí sinh!
Theo đề án tuyển sinh năm 2023, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM dự kiến tuyển sinh 10.000 chỉ tiêu. Trong khi trước đó, năm 2021 chỉ tiêu trường đưa ra là 1.610 (thực tuyển 1.812 sinh viên) và năm 2022 chỉ tiêu 5.050 (thực tuyển 5.053 sinh viên). Như vậy, chỉ tiêu dự kiến của năm 2023 tăng gấp đôi năm trước đó và tăng trên 6 lần so với năm 2021.
Đáng chú ý, chỉ tiêu dự kiến của nhiều ngành và chương trình trong năm 2023 tăng vọt so với trước đó.
Chỉ riêng ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng, trường dự kiến tuyển 5.480 sinh viên, cao hơn tổng chỉ tiêu toàn trường vào năm ngoái (5.050 chỉ tiêu). Trong đó, ngành học này gồm hai chuyên ngành và chương trình đào tạo khác nhau: Logistics và quản lý chuỗi cung ứng (chuyên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng chất lượng cao) tuyển 4.680 thí sinh; Logistics và quản lý chuỗi cung ứng (chuyên ngành quản trị logistics và vận tải đa phương thức chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Anh) tuyển 800 chỉ tiêu.
Số chỉ tiêu dự kiến năm 2023 của ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng tăng mạnh so với các năm trước đó. Năm 2022, ngành này có chỉ tiêu 810 và thực tuyển 824 sinh viên. Năm 2021, chỉ tiêu ngành này chỉ 60 và thực tuyển 73 sinh viên.
Như vậy, chỉ tiêu dự tuyển của ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng của trường này năm nay tăng gấp gần 7 lần so với năm trước đó.
Bộ GD-ĐT có ý kiến gì?
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, tiến sĩ Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết sẽ yêu cầu trường báo cáo về việc tăng chỉ tiêu và tiến hành kiểm tra để điều chỉnh ngay kịp thời trong trường hợp cần thiết.
Theo tiến sĩ Nghệ, Bộ GD-ĐT đã có quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh ĐH tại Thông tư 03 năm 2022. Vào cuối tháng 4.2023, Bộ GD-ĐT tiếp tục có Thông tư 10 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 03 liên quan đến quy định này. Theo đó, chỉ tiêu tuyển sinh được xác định trên cơ sở năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo; nhu cầu sử dụng nhân lực; tỷ lệ sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp; kết quả kiểm định cơ sở đào tạo; và kết quả tuyển sinh của năm tuyển sinh trước liền kề với năm xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh.
Thông tư của Bộ GD-ĐT cũng quy định các trường hợp cụ thể cơ sở đào tạo không được tăng chỉ tiêu so với năm tuyển sinh trước đó gồm: đủ điều kiện về thời gian mà trường không được công nhận đạt chuẩn kiểm định; tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp sau 12 tháng có việc làm dưới 80%; tỷ lệ thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh ở năm tuyển sinh liền kề trước năm tuyển sinh đạt dưới 80%.
“Nếu không thuộc các trường hợp trên, cơ sở giáo dục ĐH được quyền tăng chỉ tiêu nhưng phải đảm bảo chất lượng đào tạo”, tiến sĩ Nghệ nói.
Về việc tăng gấp đôi chỉ tiêu tuyển sinh trong 2 năm của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, tiến sĩ Nghệ cho rằng cần rà soát cụ thể các điều kiện đảm bảo chất lượng của trường này.
“Trường hợp năm trước đó, trường chỉ xác định chỉ tiêu tuyển sinh bằng một nửa năng lực đào tạo thì năm nay tăng gấp đôi chỉ tiêu là trường hợp khác. Nếu năm trước đó trường đã đăng ký chỉ tiêu sát với năng lực đào tạo mà năm nay vẫn tăng gấp đôi chỉ tiêu thì cần đặt dấu hỏi. Vì đồng nghĩa với việc tăng gấp đôi chỉ tiêu này trường phải tăng gấp đôi điều kiện đảm bảo chất lượng, chẳng hạn số lượng giảng viên theo quy định”, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH nhìn nhận.
Theo đề án tuyển sinh, năm 2023 Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM xét tuyển bằng 5 phương thức: xét kết quả học bạ (50% chỉ tiêu); tuyển thẳng theo đề án của trường (20% chỉ tiêu); tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT (1-2% chỉ tiêu); xét điểm thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức (3-4% chỉ tiêu); xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2023 (20% chỉ tiêu).