Sinh viên có việc làm cao nhất trên 97%
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết theo quy định ngành đào tạo của Bộ GD-ĐT, hiện nay nghệ thuật có 4 nhóm ngành: mỹ thuật gồm 6 ngành, nghệ thuật trình diễn 21 ngành, nghệ thuật nghe nhìn 3 ngành, mỹ thuật ứng dụng 4 ngành. Trong đó, 4 ngành thuộc lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng được thí sinh học nhiều nhất hiện nay gồm: thiết kế công nghiệp, thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, thiết kế mỹ thuật sân khấu và điện ảnh.
Năm 2023, Bộ GD-ĐT từng công bố một thống kê về tình hình sinh viên tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp 12 tháng của giai đoạn từ 2018-2021. Theo đó, một số lĩnh vực dẫn đầu tỷ lệ sinh viên có việc làm như: kỹ thuật; nghệ thuật; nông, lâm nghiệp và thủy sản; môi trường và bảo vệ môi trường… Trong 4 năm, tỷ lệ sinh viên có việc làm lĩnh vực nghệ thuật dao động từ 93,5-97,1%. Tính trong khoảng 4 năm, nghệ thuật và kỹ thuật là 2 lĩnh vực mà có năm đạt tỷ lệ cao nhất ở mức hơn 97%.
Trước số liệu này, tiến sĩ Hải bình luận: “Con số có thể gây bất ngờ bởi nghệ thuật không thuộc nhóm những ngành có thí sinh đăng ký theo học nhiều nhất. Nhưng ngược lại với những ngành dẫn đầu thí sinh đăng ký, nghệ thuật lại có tỷ lệ việc làm cao hơn. Ví dụ, năm 2020 tỷ lệ này ở lĩnh vực nghệ thuật lên tới 97% – nghĩa là cứ gần 10 sinh viên tốt nghiệp ra trường sau 1 năm thì gần như cả 10 em đều có việc làm”.
3 nguyên nhân
Lý giải hiện tượng này, tiến sĩ Hải cho rằng, trong số 24 lĩnh vực đào tạo tương ứng 377 ngành, nghệ thuật là lĩnh vực có số thí sinh đăng ký học tương đối ít hơn các ngành khác, chỉ xếp thứ 13 trong số 24 lĩnh vực. Năm 2023, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển chỉ chiếm 1,36% trong tổng thí sinh trúng tuyển ĐH, tương ứng khoảng 8.000 sinh viên. Trong số hơn 1 triệu học sinh dự thi tốt nghiệp THPT, chỉ khoảng 8.000 sinh viên theo học ĐH ở lĩnh vực nghệ thuật. Năm 2022, số sinh viên trúng tuyển lĩnh vực này nhỉnh hơn nhưng cũng chưa tới 9.000 người.
“Khi số lượng người học thấp, mức độ cạnh tranh giữa các sinh viên sau tốt nghiệp không cao, dẫn đến tỷ lệ sinh viên có việc làm cao”, ông Hải nói.
Bên cạnh đó, tiến sĩ Hải cho rằng, một nguyên nhân có thể do lĩnh vực này đòi hỏi người học có năng khiếu nhất định. Chẳng hạn, trong chương trình THPT, môn vẽ không phải môn học chính khóa nhưng để xét tuyển ngành kiến trúc thí sinh cần dự thi môn vẽ.
“Ngoài ra, một phần nguyên nhân có thể từ sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong một thế giới mà công nghệ phát triển như vũ bão thì những khía cạnh nghệ thuật, nhân văn, tâm lý… của con người được chú trọng hơn bao giờ hết”, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân nói thêm.
Thông tin trên được chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến của Báo Thanh Niên với chủ đề “Chọn ngành học cho tương lai: Khối ngành thiết kế, mỹ thuật, kiến trúc” vào chiều 26.3.