Nhiều quy định mới về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh ĐH và CĐ ngành giáo dục mầm non đã được Bộ GD-ĐT đưa vào dự thảo nhằm thay thế cho thông tư năm 2022.
Bộ GD-ĐT vừa công bố Dự thảo thông tư Quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh giáo dục ĐH và chỉ tiêu tuyển sinh ngành giáo dục mầm non do Bộ GD-ĐT để lấy ý kiến đóng góp.
Thông tư này sẽ thay thế cho Thông tư 38 năm 2022 quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh CĐ ngành giáo dục mầm non.
Tại dự thảo, các các nội dung có nhiều thay đổi so với Thông tư 38 để phù hợp với định hướng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm và phù hợp với thông tư quy định về chuẩn cơ sở giáo dục ĐH ban hành tháng 1.2024.
Thực tuyển không được vượt 20% chỉ tiêu tuyển sinh đã công bố
Cụ thể, chỉ tiêu tuyển sinh được xác định và thực hiện cho từng năm, theo từng ngành, nhóm ngành, trình độ và hình thức đào tạo tại trụ sở chính và từng phân hiệu, bảo đảm phù hợp với năng lực của cơ sở đào tạo, nhu cầu thị trường lao động, yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và từng vùng, địa phương.
Các trường hợp phải xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo ngành bao gồm: các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên; ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam; ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài; và các ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ.
Chỉ tiêu tuyển sinh được xác định và thực hiện bảo đảm quy mô đào tạo cuối năm tuyển sinh (dự kiến và thực tế) đáp ứng các tiêu chí sau: thứ nhất, tỷ lệ diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo trên tổng số người học chính quy quy đổi tại trụ sở chính và từng phân hiệu không nhỏ hơn 2,8m2 .
Thứ hai, tỷ lệ người học quy đổi trên giảng viên toàn thời gian đối với từng nhóm ngành và từng ngành (trong trường hợp phải xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo ngành) của cơ sở đào tạo không lớn hơn 40.
Thứ ba, đội ngũ giảng viên và nhân lực hỗ trợ, cơ sở vật chất, công nghệ và học liệu đáp ứng quy định của chuẩn chương trình đào tạo áp dụng cho ngành, nhóm ngành và trình độ đào tạo tương ứng.
Cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh phù hợp với chỉ tiêu đã công bố, bảo đảm số lượng thực tuyển của từng ngành, nhóm ngành, trình độ và hình thức đào tạo không được vượt quá 20% chỉ tiêu đã công bố.
Trường ĐH không được tăng chỉ tiêu trong 2 trường hợp
Dự thảo này quy định chỉ tiêu tuyển sinh của một ngành, nhóm ngành trình độ ĐH, ngành chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7 tại trụ sở chính và phân hiệu không được tăng so với chỉ tiêu và số thực tuyển của năm trước liền kề nếu như tỷ lệ thôi học năm đầu cao hơn 15% hoặc tỷ lệ người tốt nghiệp có việc làm thấp hơn 70%.
Tại thông tư năm 2022 không có quy định về tỷ lệ thôi học mà chỉ có quy định không tăng chỉ tiêu nếu tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp của lĩnh vực đó đạt dưới 80%, hoặc tỷ lệ thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh của lĩnh vực đó ở năm tuyển sinh liền kề trước năm tuyển sinh đạt dưới 80% (trừ trường hợp ngành đào tạo ở trình độ ĐH có chương trình đào tạo được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng).
Đối với các chương trình liên kết đào tạo quốc tế, đào tạo liên thông ở các trình độ của giáo dục ĐH, trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non thì chỉ tiêu nằm trong chỉ tiêu đào tạo của từng ngành, nhóm ngành, trình độ và hình thức đào tạo tương ứng.
Chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức riêng để đào tạo liên thông ở trình độ ĐH đối với mỗi ngành, nhóm ngành và hình thức đào tạo không vượt quá 20% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của ngành, nhóm ngành và hình thức đào tạo tương ứng
Một ngành đào tạo được mở sau thời điểm luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH năm 2018 có hiệu lực thi hành, sau khi có khóa đầu tiên tốt nghiệp được 2 năm mà chương trình đào tạo chưa được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng theo quy định thì không được tiếp tục tuyển sinh cho đến khi đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.
Chậm nhất ngày 31.12 hằng năm, cơ sở đào tạo phải hoàn thành báo cáo thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh trong năm trên hệ thống phần mềm quản lý chỉ tiêu tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.
Các căn cứ để xác định chỉ tiêu ngành đào tạo giáo viên
Đối với từng ngành đào tạo giáo viên, chỉ tiêu do Bộ GD-ĐT tạo quyết định và thông báo, căn cứ vào các tiêu chí xác định và thực hiện chỉ tiêu ở dự thảo này và đề xuất của cơ sở đào tạo.
Đồng thời dựa vào các căn cứ: năng lực đội ngũ giảng viên, uy tín về chất lượng đào tạo và kết quả tuyển sinh các năm trước của cơ sở đào tạo đối với từng ngành đào tạo; định hướng phát triển các cơ sở đào tạo giáo viên theo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm; nhu cầu đào tạo, bổ sung đội ngũ giáo viên tại các địa phương; số lượng đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo, tình hình thực hiện và cam kết chi trả kinh phí hỗ trợ sinh viên của các cơ quan nhà nước theo quy định.
Nguồn: https://thanhnien.vn/truong-dh-khong-duoc-tang-chi-tieu-tuyen-sinh-khi-ty-le-thoi-hoc-cao-hon-15-185241026174250778.htm