Xu hướng này hướng đến mục tiêu đào tạo người học tăng cường kiến thức tổng hợp, liên ngành hơn đào tạo chuyên môn đặc thù. Sự điều chỉnh này sẽ tác động đến quá trình thích ứng với công việc của sinh viên khi ra trường ra sao?
Từ năm 2021, các trường ĐH sửa đổi chương trình đào tạo bám theo Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT năm 2021 quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH. Với thông tư này, chương trình đào tạo ĐH gồm 120 tín chỉ, chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7 gồm 150 tín chỉ (chưa gồm khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng – an ninh).
KIẾN THỨC CHUYÊN SÂU CHỈ CHIẾM HƠN 10-20%
Theo đó, ngoài các ngành đào tạo đặc thù (bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư) thì các ngành ĐH còn lại hiện ở mức từ 120 tín chỉ. Đáng chú ý, các trường điều chỉnh mạnh mẽ các khối lượng kiến thức trong chương trình.
Ví dụ, Trường ĐH Tài chính-Marketing đang xây dựng chương trình đào tạo ĐH với 122 tín chỉ (tăng 2 tín chỉ so với hiện hành). Trong đó, khối lượng kiến thức đại cương chiếm tỷ trọng 21% (dự kiến giảm từ 28% hiện hành xuống còn 21%). Khối kiến thức cơ sở ngành dự kiến tăng thêm 18 tín chỉ so với chương trình hiện hành (từ 24 lên 39 tín chỉ, tùy ngành). Ngược lại, khối kiến thức chuyên ngành dự kiến giảm từ 24 xuống còn 15 tín chỉ, chiếm khoảng 12% tổng khối lượng chương trình đào tạo ĐH (giảm từ 20% hiện hành).
Trước khi đưa ra sự điều chỉnh trên, PGS-TS Phan Thị Hằng Nga, Trưởng phòng Quản lý khoa học Trường ĐH Tài chính-Marketing, cho biết trường đã so sánh với các cơ sở đào tạo cùng khối ngành khác. “Với việc điều chỉnh này, khối kiến thức đào tạo chuyên sâu chiếm 12% chương trình đào tạo của Trường ĐH Tài chính-Marketing. Trong khi đó, khối kiến thức chuyên sâu tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân hiện chiếm khoảng 14%. Một số trường ĐH nước ngoài phần kiến thức chuyên ngành cũng chiếm khoảng 14-16% tổng thời lượng chương trình đào tạo. Do đó, sự thay đổi của trường có sự phù hợp với các trường trong nước và quốc tế hiện nay”, PGS Hằng Nga cho biết.
Lý giải sự điều chỉnh này, PGS Hằng Nga cho rằng mục tiêu trường hướng tới là định hướng tăng cường khối lượng kiến thức nền tảng liên ngành cho người học để sinh viên có thể tiếp cận nhiều vị trí việc làm khác nhau. “Để đạt được mục tiêu này thì người học phải trang bị đầy đủ kiến thức nền tảng mang tính liên ngành, giúp phát huy tư duy nghiên cứu và khả năng thích ứng khi môi trường thay đổi, quy định thay đổi, điều luật thay đổi, công nghệ thay đổi và thậm chí là nhiều ngành nghề cũng có sự thay đổi. Nếu những vị trí công việc đó mất đi, thì người học vẫn tự tin để chuyển sang một công việc khác”, PGS Hằng Nga chia sẻ thêm.
TĂNG KHẢ NĂNG THÍCH NGHI
ĐH Kinh tế TP.HCM hiện xây dựng chương trình đào tạo ĐH ở mức 120 tín chỉ khối cử nhân và 150 tín chỉ khối kỹ sư. Trong đó, kiến thức chung khoảng 30-40%, cơ sở ngành 40-50% và chuyên ngành chiếm khoảng 20% tổng thời lượng chương trình học. PGS-TS Bùi Quang Hùng, Phó giám đốc ĐH này, nhìn nhận: “Các trường cần cập nhật kiến thức chung và kiến thức cơ sở để gia tăng khả năng thích nghi với môi trường làm việc nhiều biến động trong tương lai”. Một ví dụ được PGS Hùng nêu ra, sinh viên tất cả các ngành ĐH Kinh tế TP.HCM đều phải học 6 môn bắt buộc gắn liền với xu thế và thời đại: nhập môn khoa học dữ liệu, kỹ năng mềm, khởi nghiệp kinh doanh, nền tảng tâm lý, tư duy thiết kế và phát triển bền vững. Ngược lại với các môn xu thế này, trường vẫn duy trì toán cao cấp trong chương trình đại cương.
Từ năm 2016, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã bắt đầu giảm kiến thức chuyên ngành từ 17% xuống 12% trong tổng chương trình đào tạo. Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, nói: “Quan điểm xây dựng chương trình đào tạo của trường trước đây là đẩy mạnh kiến thức chuyên sâu cho người học. Nhưng nếu chuyên sâu quá thì cơ hội tiếp cận với nhiều vị trí việc làm khác nhau của người học lại bị hạn chế”.
NHIỀU KIẾN THỨC CHUYÊN SÂU, HẠN CHẾ CƠ HỘI VIỆC LÀM ĐA DẠNG
Theo đại diện các trường ĐH, việc tăng hay giảm kiến thức chuyên sâu trong chương trình còn tùy thuộc vào lĩnh vực và định hướng đào tạo.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, bày tỏ: “Việc tăng hay giảm kiến thức chuyên ngành phụ thuộc vào chương trình đào tạo của mỗi trường. Điều quan trọng trong xây dựng chương trình đào tạo là rà soát các phần kiến thức trùng lắp, bổ sung các kiến thức mới nhất trong ngành nghề vào chương trình học. Đồng thời là đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin triệt để trong dạy học. Có như vậy, người học mới có khả năng hội nhập với công việc ngay sau khi tốt nghiệp”.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân cho rằng việc xây dựng chương trình đào tạo ĐH 1 ngành cần đảm bảo sự khác biệt ở mức 30% so với các ngành khác. Sự khác biệt này có thể trải dài ở các học phần từ đại cương, cơ sở ngành, nhưng rõ rệt nhất ở chuyên ngành. Ông Nhân cho rằng ngoại trừ các ngành chuyên sâu đặc thù, các ngành còn lại cần giữ tỷ lệ chuyên ngành phù hợp tùy theo định hướng đào tạo. “Nếu quá nhiều kiến thức chuyên sâu sẽ không khác nhiều với “dạy nghề” và người học bị hạn chế cơ hội việc làm đa dạng. Chưa kể, trong tổng chương trình khoảng 120 tín chỉ, nếu dành quá nhiều cho chuyên sâu thì cơ sở ngành không đủ. Nhưng ngược lại, nếu quá ít kiến thức chuyên sâu thì không có sự khác biệt cần thiết giữa các ngành, sinh viên ra trường khó đáp ứng yêu cầu các vị trí việc làm cụ thể”, tiến sĩ Nhân nêu ý kiến.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, cũng cho rằng tùy theo định hướng đào tạo, các trường cần thiết kế chương trình phù hợp. Nếu trường ĐH theo hướng nghiên cứu, khối kiến thức tập trung nhiều hơn vào nhóm môn cơ sở ngành, còn các trường ĐH theo hướng nghiên cứu ứng dụng thì tập trung vào các môn chuyên ngành. Theo hướng nghiên cứu ứng dụng với kiến thức chuyên sâu, sinh viên sẽ thích nghi với công việc ngay khi tốt nghiệp. (còn tiếp)
Kiến thức chuyên môn quan trọng với trường theo hướng ứng dụng
Trong khi đó, nhiều trường ĐH vẫn đang duy trì khối lượng lớn kiến thức chuyên ngành bậc ĐH. Ví dụ, trong số 131 tín chỉ của chương trình đào tạo của Trường ĐH Văn hóa TP.HCM (không tính giáo dục quốc phòng – an ninh) thì phần kiến thức chuyên ngành chiếm nhiều nhất. Cụ thể, khối lượng chuyên ngành duy trì ở mức 50 tín chỉ (trên 38%), trong khi đó kiến thức giáo dục đại cương chiếm trên 31% và cơ sở ngành 30,5%.
Chia sẻ về số liệu này, thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết trường xây dựng chương trình đào tạo có sự tham vấn kỹ của các chuyên gia quản lý giáo dục về cân đối tỷ lệ giữa các khối kiến thức theo định hướng ứng dụng. “Kiến thức chuyên ngành mà giản lược, hàm lượng ít thì khi người học tốt nghiệp việc gì cũng làm được nhưng khó có khả năng làm việc có tính chuyên sâu”, thạc sĩ Tùng phân tích.
Tương tự, Trường ĐH Công thương TP.HCM hiện cũng duy trì kiến thức chuyên ngành ở mức khoảng 40%. Chương trình đào tạo của trường gồm 2 loại: khối cử nhân 120 tín chỉ và kỹ sư 150 tín chỉ. Ví dụ với khối ngành kinh tế, kiến thức đại cương gần 26,5%; cơ sở ngành 31,4%; ngành và chuyên ngành trên 40%. Nhưng với khối ngành kỹ thuật, kiến thức đại cương và khoa học cơ bản chiếm 26,8%; cơ sở ngành 24,2%; ngành giai đoạn 1 cấp bằng cử nhân 30,4%; giai đoạn 2 chuyên sâu đặc thù (cấp bằng kỹ sư) 18,6%. Chia sẻ về quan điểm chú trọng khối kiến thức chuyên sâu, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông trường này, cho rằng: “Kiến thức chuyên môn có ý nghĩa quan trọng với sinh viên khi đi làm, đặc biệt với định hướng đào tạo ứng dụng”.
Nguồn: https://thanhnien.vn/truong-dh-giam-dao-tao-chuyen-sau-de-sinh-vien-de-tim-viec-185240521192600071.htm