Ý kiến trái chiều
Dự kiến, vào giữa tháng 11/2023, Trường Trung học phổ thông (THPT) Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM) tổ chức cho học sinh khối 10 đi xem vở kịch “Yêu là thoát tội” ở nhà hát.
Sau khi xem kịch, học sinh làm bài thu hoạch theo nhóm, mỗi nhóm khoảng 8-10 em. Bài tập này được chấm điểm theo thang 10 điểm. Trong đó, nội dung cảm nhận vở kịch (3 điểm); thiết kế đẹp (3 điểm); đăng trên Facebook và Zalo cá nhân được trên 100 “like” (2 điểm) và số lượt chia sẻ trên trang cá nhân đạt từ 50 lượt trở lên (2 điểm).
Trước thông tin trên, một số ý kiến cho rằng chấm điểm bài thu hoạch dựa vào lượt tương tác trên Facebook, Zalo là không phù hợp. Điều này tạo áp lực cho học sinh, muốn có điểm tốt phải kêu gọi mọi người yêu thích, chia sẻ cho mình.
Chưa kể, mạng xã hội là ảo. Nhóm nào nhiều bạn bè, người thân hơn, tỷ lệ tương tác sẽ cao hơn, như vậy, sẽ không đánh giá được năng lực của học sinh… Có ý kiến khác cho rằng đây là hình thức “câu like” cho trường.
Mặt khác, vẫn có những ý kiến ủng hộ cách làm này.
Đinh Xuân Thái Huy – học sinh lớp 11A6, Trường THPT Bùi Thị Xuân – chia sẻ năm ngoái em đã trải qua bài tập này và cảm thấy khá thú vị.
“Điểm của bài thu hoạch không phải 100% được lấy từ số “like”, “share” (tỷ lệ 70% từ giáo viên, 30% từ mạng xã hội). Học sinh vẫn cần có kỹ năng, kiến thức từ kinh nghiệm của bản thân và từ vở kịch mới có được điểm tốt từ giáo viên”, Huy chia sẻ.
Theo nam sinh, việc tham gia hoạt động ngoại khóa, chia sẻ bài viết lên trang cá nhân giúp học sinh hứng thú hơn trong việc học, cũng như tạo môi trường gần gũi với giới trẻ hơn.
Ý kiến của V.H cho rằng: “Đây cũng là cách các con tự tin viết cảm nhận của mình khi xem xong vở kịch, lên mạng xã hội. Vừa tuyên truyền vừa cho người khác biết thêm về vở kịch. Thật ra bấm “like” hay “share” cũng chẳng có gì để phụ huynh khó chịu. Sản phẩm của con em mình làm ra, ai ai cũng muốn chia sẻ niềm vui của người làm cha mẹ. Riêng tôi, tôi ủng hộ”.
Phụ huynh L.L. bày tỏ rằng nên lấy ý kiến từ học sinh là tốt nhất, vì đây là cách các con chọn chứ không phải phụ huynh hay nhà trường quyết định. Do đó, hãy tôn trọng cảm nghĩ của người học về việc này.
Chỉ là điểm thưởng
Trước những tranh luận trên mạng, ông Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân – cho biết, việc tổ chức cho học sinh đi xem kịch, cải lương, phim… đã được nhà trường triển khai suốt 7 năm qua. Cũng vì vậy, ông đã có 19 lần trải nghiệm (các khóa, lớp khác nhau) cùng xem kịch với học sinh.
Hiệu trưởng cho rằng ông nhận thấy nhiều tích cực từ hoạt động này.
Khi lên kế hoạch cho học sinh khối 10 đi xem vở kịch “Yêu và thoát tội”, ông Phú và giáo viên bộ môn ngữ văn đã xem trước nội dung này và đánh giá đây là vở kịch rất phù hợp cho học sinh.
Ông cho hay, nhà trường chỉ khuyến khích các em đi xem trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc. Giá vé là 65.000 đồng/học sinh, mức thấp hơn nhiều so với mua vé tại rạp.
Về phần chấm điểm, sau khi đi xem vở kịch về, học sinh sẽ làm bài cảm nhận bằng clip với thời lượng 1-2 phút. Điểm chấm được giáo viên lấy làm điểm thưởng, điểm khuyến khích (1-2 điểm) chứ không phải điểm chính thức.
Do đó, những em không tham gia cũng không ảnh hưởng vì có thể lấy điểm thưởng từ việc phát biểu ý kiến trên lớp, tương tác với giáo viên và các hoạt động khác trong trường, lớp, làm việc tốt…
“Đây chỉ là điểm khuyến khích và việc chia sẻ trên mạng xã hội là một yếu tố rất nhỏ, sẽ không ảnh hưởng hay gây áp lực gì cho học sinh”, ông Phú nhận định.
Lý giải về việc yêu cầu “like”, “share” trên mạng xã hội, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân cho rằng đây là một kỹ năng quan trọng của thời đại công nghệ số mà học sinh cần có. Đó là kỹ năng tương tác với bên ngoài bằng công nghệ.
Thông qua việc này, các nhóm học sinh sẽ có những cách riêng để đưa sản phẩm của mình thu hút người khác; cách truyền tải nội dung, thông điệp… để lan tỏa sản phẩm.
Ngoài ra, nhà trường còn hướng tới việc phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện cho học sinh. Bài thu hoạch giúp hình thành, rèn luyện học sinh nhiều kỹ năng khác như: Làm việc nhóm, cảm thụ văn học, cách sử dụng hình ảnh, âm thanh, lồng nhạc, đọc lời bình…
Trước việc phụ huynh phàn nàn mạng xã hội là ảo, lượng “like”, “share” chưa chắc đã thật, có thể bỏ tiền mua tương tác…, ông Huỳnh Thanh Phú cho rằng đây chỉ là một sân chơi nhỏ trong trường với mục đích quan trọng nhất là định hướng học sinh sử dụng mạng xã hội một cách văn minh.
Điều này cũng giúp chia sẻ một loại hình văn hóa truyền thống của dân tộc đang dần bị mai một.
“Tôi cho rằng mọi người đừng nhìn theo hướng tiêu cực. Đây chỉ là sân chơi rất nhỏ, không thể vì 1-2 điểm thưởng mà các em phải bỏ tiền ra mua “like”, mua “share”.
Chúng ta đừng hướng học sinh theo cách này, mà phải tin vào cách làm, tin vào học sinh, tin vào sự trung thực của con em mình và gieo những hạt giống tốt”, lãnh đạo nhà trường nhận định.
Ông Huỳnh Thanh Phú cho biết thêm định hướng chung hiện nay là làm thế nào để hướng dẫn học sinh, tuổi trẻ học đường sử dụng mạng xã hội một cách văn minh.
Nhân việc tổ chức cho học sinh đi xem một vở kịch hay, việc cho các em viết cảm nhận, chia sẻ quan điểm, nhận thức về tác phẩm nghệ thuật dưới góc nhìn tuổi trẻ là việc nên làm.
Thực tế, trong suốt 7 năm qua, ông đã nhận được nhiều bài cảm nhận của học sinh rất hay và xúc động.
“Có nhiều bài thu hoạch của học sinh khiến giáo viên cũng bất ngờ về mức độ cảm thụ nghệ thuật và góc nhìn mới mẻ của giới trẻ. Vì thế, tôi mong phụ huynh tin tưởng cách giáo dục của nhà trường”, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân nhấn mạnh.