Theo Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, đào tạo nghề phải thoát ly ra khỏi việc chỉ đào tạo những gì chúng ta có, mà phải đầu tư đào tạo những ngành xã hội cần.
Nhu cầu nhiều nhưng trúng tuyển ít
Sáng 12/12, HĐND TP Đà Nẵng bước vào ngày làm việc thứ 2 với phiên thảo luận tại hội trường. Câu chuyện đào tạo nghề, giải quyết việc làm được các đại biểu quan tâm.
Đại biểu Trương Minh Hải, Phó trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP Đà Nẵng cho hay, chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố còn nhiều hạn chế.
Theo đó, cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với phát triển của thành phố, chưa gắn với yêu cầu của thị trường lao động, tình trạng thiếu lao động cục bộ vẫn còn xảy ra.
“Sự gắn kết giữa nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm chưa bền vững, tỉ lệ người lao động trúng tuyển thông qua các ngày hội việc làm chưa nhiều. Nhu cầu nhiều nhưng tỉ lệ đạt dưới 10%”, ông Hải cho hay.
Ngoài ra, ông Hải cho rằng, thông tin thị trường lao động, việc làm chưa phổ biến đến cơ sở, đến người lao động; khả năng đáp ứng về trình độ, kỹ năng lao động, kỹ năng việc làm, ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận người lao động còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp…
Việc xúc tiến hợp tác quốc tế, đưa người lao động đi làm ở nước ngoài chưa tương xứng với nhu cầu và tiềm năng.
Đại biểu Hải kiến nghị, thời gian tới cần thực hiện tốt công tác quy hoạch, dự báo nguồn nhân lực, thị trường lao động để xác định mục tiêu đào tạo từng giai đoạn, bố trí nguồn lực tương ứng để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Đồng thời, gắn kết chặt chẽ giữa nhà nước, nhà trường trong giải quyết việc làm. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng khả năng kết nối cung cầu lao động; hoàn thành cơ sở dữ liệu về xây dựng việc làm; xây dựng các app thông tin về thị trường lao động đến tay người dân; đầu tư, nâng cấp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp..
Phải đào tạo ngành nghề xã hội cần
Theo ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Đà Nẵng, hiện nay công tác tuyên truyền chưa mạnh và nhận thức về học nghề của người dân chưa cao.
Đồng thời, trang thiết bị học tập tại các trường chưa cập nhật kịp thời. Vì có nhiều ngành nghề hiện chỉ 3 – 5 năm là lạc hậu không phải như khi trước. Vì vậy các trường chưa chuẩn bị cơ sở vật chất cũng như giáo viên để tổ chức thực hiện nghề đó.
Ngoài ra, các doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề chưa gặp nhau. Doanh nghiệp không quan tâm việc dạy nghề, đôi lúc tự tuyển và tự đào tạo.
Đối với việc làm, ông Hoàng cho biết, Sở LĐTB&XH cũng chỉ đạo Trung tâm giới thiệu việc làm tiếp tục tổ chức ngày hội việc làm, xuất khẩu lao động, phối hợp ngân hàng chính sách cho vay vốn làm ăn…
Theo ông Ngô Xuân Thắng, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, ngoài chuyện cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, đất đai thì điều doanh nghiệp quan tâm nhất là khi vào Đà Nẵng có được nguồn nhân lực phục vụ cho họ hay không.
Ông Thắng cho rằng, đào tạo nghề phải thoát ly ra việc chỉ đào tạo những gì chúng ta có, mà phải đầu tư đào tạo những ngành xã hội cần.
“Người dạy sửa xe máy, ô tô mà toàn đời 2000, 2010, bây giờ họ đi toàn thế hệ mới rồi. Hôm rồi thảo luận có đồng chí phát biểu là đào tạo sửa chữa điện thoại di động, nhưng bây giờ chỉ dạy sửa cho Iphone 10 trở xuống trong khi họ dùng đến Iphone 15, 16 thì cập nhật thế nào?”, ông Thắng nói.
Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đặt câu hỏi, bộ đội xuất ngũ trở về tại sao 90% là đi học lái xe? Vì họ thấy cái này học xong ra đi làm ngay được. Còn các nghề khác các anh đào tạo họ không làm được.
“Quan trọng là định hướng, chuẩn bị của chúng ta đào tạo thế nào? Sắp tới cùng với việc đổi mới sẽ có các ngành lớn hơn, công tác này sẽ tập trung vào đầu mối cụ thể, sẽ giúp cho việc định hướng đào tạo nghề, nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố phù hợp hơn”, ông Thắng nói.
Có 1.779 học sinh đi học nghề, số còn lại không học nghề. So với các địa phương khác, tỉ lệ học sinh học nghề ở Đà Nẵng thuộc dạng cao.
Về đào tạo, Đà Nẵng có 61 trường dạy nghề và cơ sở giáo dục đào tạo, 17 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp và 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
Năm 2024, thành phố tuyển được 33.000/46.000 chỉ tiêu, đạt trên 70%. Ngành LĐTB&XH tiếp tục hỗ trợ các chính sách cho các đối tượng chính sách, hiện Sở LĐTB&XH đang trình Sở Tư pháp thêm 3 ngành nghề: chăm sóc cây nông nghiệp cây thu hoạch, chăm sóc cây lâm nghiệp và ngành tiếng Hàn.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/chu-tich-hdnd-da-nang-truong-day-sua-o-to-doi-2000-dan-di-the-he-moi-192241212131243999.htm