16 chatbot AI đa lĩnh vực
Tháng 2 vừa qua, Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM cho ra mắt đến 16 chatbot AI phục vụ học tập và giảng dạy. Mỗi chatbot được phát triển chuyên sâu một lĩnh vực, từ ngôn ngữ, kinh tế, công nghệ đến sức khỏe, tâm lý.
Chỉ cần lựa chọn chatbot và gõ câu hỏi, câu trả lời sẽ được phản hồi trong khoảng 10 giây, tùy vào mức độ phức tạp.
Chẳng hạn khi tham vấn chatbot chuyên tài chính về cách tiết kiệm tiền, chatbot này “mách nước” 6 cách gồm: lập kế hoạch ngân sách, tiết kiệm theo tỉ lệ, tự động hóa tiết kiệm, giảm thiểu chi phí không cần thiết, tận dụng ưu đãi và khuyến mãi, đầu tư thông minh.
Bên cạnh hỏi đáp, nhiều chatbot AI của trường còn giúp sinh viên tối ưu hiệu suất học tập, như chatbot chuyển đổi giọng nói thành văn bản, chatbot chuyển đổi văn bản thành giọng nói, chatbot thiết kế hình ảnh. Một chatbot khác có thể giải đáp các câu hỏi liên quan đến HUFLIT cho những thí sinh, phụ huynh có nhu cầu tìm hiểu.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, hiệu trưởng HUFLIT, chia sẻ 16 công cụ AI sẽ cá nhân hóa lộ trình học tập cho sinh viên, tăng cường khả năng tương tác với nội dung giảng dạy thông qua các công cụ hỗ trợ học tập thông minh.
Ngoài ra, nhà trường cũng áp dụng AI trong hành chính, giúp đơn giản hóa các thủ tục và tăng cường hiệu quả công việc.
“Tuy nhiên, việc triển khai AI cũng đối mặt với những thách thức như chi phí đầu tư ban đầu cao và yêu cầu cao về nguồn nhân lực có kỹ năng công nghệ”, ông Tuấn nói.
Dùng công nghệ để biết sinh viên muốn gì
Không chỉ AI, sử dụng công nghệ đang là xu hướng để các trường đại học gia tăng hiệu quả trong hoạt động chuyên môn và quản lý.
Điển hình, Phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) là nơi tiếp các sinh viên trong trường đến để được tư vấn về thông tin, chế độ chính sách, chương trình… Một công nghệ đang bước đầu được áp dụng để các chuyên viên có thể giải đáp thắc mắc của sinh viên hiệu quả hơn.
PGS.TS Bùi Hoài Thắng, trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), giới thiệu đó là nền tảng mà chuyên viên chỉ cần gõ tên sinh viên vào là sẽ nhanh chóng hiển thị toàn bộ thông tin về sinh viên này, lịch sử những lần đến phòng đào tạo trước đây, trong những lần đó bạn đã hỏi những gì hoặc từng nộp đơn gì, yêu cầu gì.
Nhờ vậy, chuyên viên tư vấn có nhiều dữ liệu để hiểu “khách hàng” đang cần sự trợ giúp. “Chuyên viên có thể nhanh chóng hình dung được sinh viên mình đang trao đổi và giúp cho việc tư vấn, hỗ trợ được hiệu quả hơn”, ông Thắng nói.
TS Lê Văn Quốc Anh, trưởng khoa công nghệ thông tin, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho rằng hiện nay việc sử dụng công nghệ đã rất phổ biến trong các trường đại học. Hầu như trường đại học nào cũng có ứng dụng quản lý điểm, học vụ của sinh viên hay nền tảng E-Learning, LMS cho giáo dục trực tuyến. Một số trường phát triển thêm hệ thống giao tiếp và làm việc nội bộ cho giảng viên, nhân viên.
Ông Quốc Anh chia sẻ thêm nhiều ứng dụng công nghệ đã được đội ngũ tìm cách hiệu chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của trường.
Chẳng hạn, nền tảng giao nhận bài tập, kiểm tra của trường được tích hợp thêm công cụ chống đạo văn, hoặc một số công cụ khác có thể hỗ trợ các giảng viên chấm điểm cho sinh viên.
“Áp dụng công nghệ vào trường đại học sẽ bắt đầu từ bài toán mà từng bộ phận đang muốn giải quyết. Công nghệ sẽ là công cụ tham gia vào giải bài toán đó”, ông Quốc Anh nói.
Google tài trợ tài khoản học AI cho đại học Việt Nam
Bà Hà Lâm Tú Quỳnh, Giám đốc truyền thông Google Châu Á Thái Bình Dương, phụ trách Việt Nam, cho biết Google đã và đang phối hợp triển khai nhiều chương trình giáo dục, trong đó có các chương trình ở bậc đại học.
Có thể kể đến sáng kiến Google Career Certificates, được ra mắt vào năm 2022, cung cấp chương trình đào tạo trực tuyến dễ tiếp cận về các kỹ năng theo yêu cầu, bao gồm các khóa học tập trung vào việc sử dụng các công cụ AI.
Google hiện tài trợ miễn phí tài khoản khóa học với thời hạn 12 tháng cho các cán bộ, giảng viên và sinh viên năm cuối các trường đại học, cao đẳng trên cả nước tham gia học tập trực tuyến một số khóa học về AI do đội ngũ chuyên gia của Google thiết kế.
“AI đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong giáo dục và hướng nghiệp của học sinh, sinh viên Việt Nam. Chủ động học tập, tìm hiểu thông tin và áp dụng các công nghệ mới vào học tập và việc làm là chìa khóa để các bạn trẻ thành công trong kỷ nguyên số”, bà Quỳnh nói.
Chiêm ngưỡng những đột phá công nghệ tại AI Day
Từ 8h – 17h thứ 6 (10-5), báo Tuổi Trẻ phối hợp với Google tổ chức sự kiện “Hiểu AI làm giàu hành trang nghề nghiệp” tại Nhà Thiếu nhi TP.HCM.
Học sinh, sinh viên sẽ tiếp cận các thông tin bổ ích được trình bày bởi các chuyên viên AI của Google, diễn giả, KOL nổi tiếng về AI, tham quan các gian hàng liên quan đến các ngành nghề có ứng dụng AI.
Chương trình trân trọng cảm ơn đơn vị tài trợ: Nha Khoa Nhân Tâm, Trường ĐH Giao thông Vận tải và sự đồng hành của các trường đại học: Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM, Trường ĐH Công Nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Nguồn: https://tuoitre.vn/truong-dai-hoc-lam-chatbot-ai-co-van-hoc-tap-cho-sinh-vien-202405081235204.htm