Hôm nay (17.12), Trường ĐH Tài chính-Marketing tổ chức hội thảo giải pháp phát triển đột phá trường giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những điểm quan trọng là quy định, chính sách với giảng viên.
Trong hội thảo, PGS-TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính-Marketing, thông tin về kế hoạch định hướng quan trọng của trường trong thời gian tới. Riêng về đào tạo, PGS Đạt nêu các ngành nghề trường sẽ tập trung theo đuổi gắn với các lĩnh vực như: tài chính công, tài chính doanh nghiệp, kế toán-kiểm toán, chứng khoán, thẩm định giá, phân tích và dự báo kinh tế vĩ mô và chính sách tài khóa. Ngoài ra, ngành đào tạo của trường còn gắn với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp khác.
“Quan điểm chung về ngành nghề đào tạo, trường xác định không chạy theo thị trường”, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính-Marketing khẳng định.
Cũng theo PGS Đạt, trường sẽ tiến hành rà soát toàn bộ chương trình đào tạo từ bậc ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ; tham khảo chương trình đào tạo của các trường ĐH các nước tiên tiến; tham khảo và tích hợp các môn của các chương trình đào tạo của các tổ chức nghề nghiệp uy tín trên thế giới; gắn với quá trình chuyển đổi số nền kinh tế, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
Đáng chú ý, chương trình đào tạo của trường sẽ tiến tới bỏ các môn như tiếng Anh cơ bản, tin học ứng dụng. Trường sẽ thay thế bằng các môn học khác như tiếng Anh chuyên ngành hoặc dữ liệu lớn… Về khảo thí, trường tiến tới thay đổi các hình thức kiểm tra đánh giá nhằm mục đích giảm stress cho sinh viên trong quá trình học tập.
Ngoài chương trình đào tạo, trường ĐH này cũng đưa ra chính sách về nhân sự giảng viên. Ông Đạt cho biết cần làm rõ vai trò trách nhiệm của đội ngũ học hàm, học vị khi thu hút và được bổ nhiệm. Trường sẽ tiến tới áp dụng lộ trình giảm hỗ trợ tài chính đối với việc thực hiện học hàm, học vị và tăng hỗ trợ cho các cơ chế, chính sách khác. Song song với đó, trường dự kiến tăng giờ nghiên cứu khoa học, giảm giờ giảng dạy với giảng viên.
Cũng trong hội thảo, việc có nên tồn tại bộ môn trong trường ĐH cũng được đặt ra. Liên quan đến vấn đề này, PGS-TS Phạm Quốc Khánh, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết với cơ chế tự chủ học thuật như hiện nay, trường hoàn toàn có thể thử nghiệm mô hình mới về bộ môn. Nhưng theo ông Khánh, mô hình khoa và bộ môn rất đa dạng trên thế giới, trong đó các bộ môn chính là hạt nhân quan trọng. Do đó, trường cần nghiên cứu và cân nhắc thêm về việc điều chỉnh này.