Số liệu được các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Nâng cao hiệu quả gắn kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”, được Trường cao đẳng Kinh tế TP.HCM tổ chức ngày 9-8.
Cần lao động ngành thương mại – dịch vụ nhiều nhất
TS Đỗ Thanh Vân – Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động tại TP.HCM – cho biết TP.HCM hiện có 290.337 doanh nghiệp đang hoạt động và nhu cầu nhân lực bình quân của các doanh nghiệp này xấp xỉ 350.000 chỗ làm việc/năm.
Trong khi đó hằng năm số sinh viên tốt nghiệp từ các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp có nhu cầu làm việc tại TP.HCM khoảng 301.782 người.
Các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp đang là nơi đào tạo, cung cấp chủ lực cho nhu cầu nhân lực ở TP.HCM, chiếm 85,7%.
TS Đỗ Thanh Vân nhận định hiện nay các ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng rất đa dạng, có đủ 4 nhóm ngành trọng yếu và 9 lĩnh vực chủ yếu ưu tiên phát triển của TP.HCM.
Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động tại TP.HCM, nhu cầu nhân lực bình quân hằng năm cần 320.000 – 350.000 chỗ việc làm trống/năm trong giai đoạn 2026 – 2030.
Trong đó khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản cần 960 – 1.050 chỗ làm việc/năm, chiếm 0,3%, khu vực công nghiệp – xây dựng cần 88.448 – 96.740 chỗ làm việc/năm, chiếm 27,64%, khu vực thương mại – dịch vụ cần 230.592 – 252.210 chỗ làm việc/năm, chiếm 72,06%.
Cũng theo trung tâm, nhu cầu nhân lực qua đào tạo cần 278.400 – 304.500 chỗ làm việc/năm trong giai đoạn từ 2026 – 2030.
Nhu cầu nhân lực qua đào tạo trình độ trung cấp chiếm 28%, sơ cấp chiếm 21%, cao đẳng chiếm 16% và đại học trở lên chiếm 22%.
Nhiều hợp tác còn rời rạc?
Trình bày tại hội thảo, bà Lê Thị Thúy Tiên – giám đốc nhân sự Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Sài Gòn King Land – nhìn nhận nhiều hoạt động hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp diễn ra rời rạc, riêng lẻ, tác động mang tính nhất thời…
Bà ví dụ thỉnh thoảng một số trường đại học, cao đẳng mời các chuyên gia từ doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp mình, đến chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm cho sinh viên.
Tuy nhiên nhiều lúc chỉ có 1 buổi, mỗi buổi chỉ khoảng 2-3 tiếng. Nhiều chuyên gia từ doanh nghiệp cho rằng thời lượng này quá ngắn và sinh viên không tiếp nhận thông tin như kỳ vọng.
Ngoài ra theo bà Thúy Tiên, nhiều chương trình, hoạt động của các trường không được đưa vào kế hoạch đầu năm học.
Các doanh nghiệp đối tác với các trường cũng không nhận được kế hoạch tổ chức những dự án này từ đầu, nên nhiều trường hợp bị động không thể dành nguồn lực hay ngân sách cho các dự án này.
Bà Thúy Tiên đề xuất một mô hình hiệu quả là thông qua các “cố vấn hướng nghiệp”. Các chuyên gia từ doanh nghiệp sẽ là các cố vấn (mentor), đồng hành cùng một hoặc một nhóm sinh viên trong một khoảng thời gian nhất định.
Mentor sẽ hỗ trợ sinh viên về phát triển bản thân từ góc nhìn doanh nghiệp, chia sẻ các kiến thức, kỹ năng cho các bạn. Thời gian đồng hành có thể kéo dài trong vài tháng, sẽ có ích hơn nhiều cho sinh viên thay vì chỉ một vài tiếng gặp gỡ như hiện nay.
TS Nguyễn Thanh Phương – trưởng phòng quan hệ doanh nghiệp và việc làm sinh viên, Trường đại học Nguyễn Tất Thành – cho rằng trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà trường, nhà trường là bên “cần” hơn.
Do vậy theo ông Phương, nhà trường sẽ cần linh hoạt hơn, tạo nhiều điều kiện hơn và cho doanh nghiệp được ít nhiều lợi ích khi tham gia hợp tác với nhà trường.
Chẳng hạn, phòng của ông đang triển khai các chương trình cà phê doanh nghiệp. Đại diện các doanh nghiệp thường được mời đến các buổi cà phê cùng lãnh đạo phòng để góp ý cho hoạt động của trường và bàn thêm về các cơ hội hợp tác…
“Tuy nhiên xem xét hệ giá trị của doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Sẽ có một số doanh nghiệp không phù hợp với hệ giá trị của trường và hai bên không thể hợp tác cùng nhau”, ông Phương nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/truong-dai-hoc-cao-dang-dap-ung-85-nhu-cau-lao-dong-tai-tp-hcm-2024080916373296.htm