Một số trường đại học vừa lên tiếng cảnh báo thông tin lừa đảo liên quan đến môi giới du học, tuyển dụng, tuyển sinh gắn với tên của các trường.
Đồng thời, các trường đại học cũng nêu rõ cách nhận biết thông tin lừa đảo để mọi người cảnh giác.
Cần có 120 triệu đồng để tham gia chương trình học bổng
Sáng 16-12, Trường đại học FPT đã phát cảnh báo về một văn bản giả mạo nhà trường thông báo chương trình học bổng Chính phủ Nhật Bản đang được gửi đến sinh viên.
Thông báo này ghi ngày 15-12-2024, có nội dung: “Căn cứ thông báo của Đại sứ quán Nhật Bản tại TP Hà Nội về việc Chính phủ Nhật Bản cấp các suất học bổng ngắn hạn. Số lượng ứng viên sơ tuyển: 120 suất.
Đối tượng tuyển: Công dân Việt Nam có phẩm chất chính trị đạo đức tốt; thực sự mong muốn sang Nhật Bản du học; có đủ sức khỏe để học tập tại nước ngoài; không trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc trong thời gian cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý kỷ luật.
Chương trình học bổng được Chính phủ Nhật Bản đài thọ 100% bao gồm vé máy bay quốc tế khứ hồi, học phí, chi phí, tham quan trong suốt thời gian học.
Lộ trình của chương trình kéo dài 3 tháng với tất cả chi phí sẽ do nhà trường lo. Khi quyết định tham gia nhà trường sẽ tổ chức một cuộc họp phụ huynh tại khuôn viên trường.
Để tham gia chương trình, nhà trường yêu cầu các học sinh phải chứng minh khả năng tài chính, cụ thể cần có tiền là 120 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng để lấy biên bản sao kê nộp cho nhà trường. Nhà trường thông báo đến toàn thể cán bộ, giảng viên và sinh viên có nhu cầu và đáp ứng yêu cầu khóa học đăng ký tham gia”.
Thông báo này có ghi số đầy đủ, có đóng dấu, ký tên hiệu trưởng Lê Trường Tùng, tuy nhiên Trường đại học FPT lại thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cảnh giác lừa đảo theo 3 nguyên tắc
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Lê Trường Tùng – chủ tịch hội đồng trường Trường đại học FPT – khẳng định: “Đây là văn bản giả mạo. Lần này thì lừa đảo học bổng du học, tôi hiện là chủ tịch hội đồng trường nhưng trong thông báo lại ghi là hiệu trưởng, Trường đại học FPT thì đưa về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”.
Cũng theo ông Tùng, thời gian qua, có nhiều thông tin lừa đảo liên quan đến môi giới du học, tuyển dụng, tuyển sinh gắn với tên của các đơn vị trong FPT Edu. Đồng thời, ông đề nghị mọi người cần cảnh giác theo 3 nguyên tắc:
Các thông tin chính thống đều phải được công bố trên các cổng thông tin chính thức của nhà trường.
Liên quan đến tài chính, FPT Edu áp dụng triệt để nguyên tắc không dùng tiền mặt, mọi khoản nộp nếu có đều qua tài khoản đứng tên trường, không đứng tên các cá nhân hoặc các đơn vị khác.
Nguyên tắc tài chính số 1: tiền ra khỏi túi của mình thì cần được xem không còn là tiền của mình nữa.
“Do đó, mọi người cần hết sức cẩn trọng khi giải ngân. Nguyên tắc này nếu được áp dụng triệt để thì giải quyết được 90% các vụ lừa đảo liên quan đến tiền trong xã hội”, ông Tùng lưu ý.
Giả mạo thông tin họp mặt giao lưu sinh viên quốc tế
Trước đó, Trường đại học Công nghiệp TP.HCM cũng phát cảnh báo tình trạng giả mạo văn bản nhà trường.
ThS Nguyễn Thị Thương – giám đốc trung tâm thông tin truyền thông nhà trường – cho biết: “Vừa qua trường nhận được phản ánh về việc giả mạo thông tin họp mặt giao lưu sinh viên quốc tế bằng văn bản thư mời họp mặt giao lưu sinh viên quốc tế Trường đại học Công nghiệp TP.HCM”.
Trong văn bản này được gửi đến các sinh viên của trường để “chúc mừng sinh viên đủ điều kiện ghi danh vào khóa giao lưu sinh viên quốc tế tại Nhật Bản…”, và kèm thông tin về các mức học bổng (học tập và sinh hoạt phí) lên đến 100%.
Về vấn đề này, nhà trường đã thông báo chính thức khẳng định, trường không ban hành thông báo chương trình họp mặt giao lưu nêu trên. Việc các tổ chức, cá nhân lợi dụng thương hiệu, hình ảnh của trường để tiến hành các hoạt động nội dung trái phép vi phạm pháp luật, chưa được sự đồng ý bằng văn bản của trường.
Đồng thời khuyến nghị các tổ chức, cá nhân cần theo dõi các kênh thông tin chính thức của nhà trường tìm hiểu, xác minh thông tin một cách chính xác và đầy đủ nhất, tránh bị kẻ xấu lợi dụng.
Nguồn: https://tuoitre.vn/truong-dai-hoc-canh-bao-lua-dao-hoc-bong-du-hoc-hop-mat-giao-luu-sinh-vien-quoc-te-20241216133156488.htm