Ngày 12-1, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã đến thăm, chúc tết Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM.
Báo cáo với Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Đại tá Trần Thế Tuyển, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM cho biết, qua 3 năm thành lập, Hội đã góp phần tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng với người có công. Đặc biệt, hội đã tập trung mọi nguồn lực tìm kiếm thông tin liệt sĩ, xác định danh tính trên 10.000 danh sách liệt sĩ để khắc trên bia đá trong các đền thờ, bia tưởng niệm liệt sĩ ở nhiều tỉnh, thành. Các tổ chức thành viên của Hội đã tìm kiếm thông tin và hỗ trợ di chuyển hàng trăm bộ hài cốt liệt sĩ về quê.
Hội cũng duy trì trang tin và Đặc san Linh khí Quốc gia, lan tỏa hàng ngàn tấm gương hy sinh cao cả của các liệt sĩ và thân nhân của họ – những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, mẹ và vợ liệt sĩ…
Song song đó, vận động nguồn lực xã hội cùng các cơ quan hữu quan, cấp ủy chính quyền địa phương số tiền lên tới gần 150 tỷ đồng để xây dựng các đền đài tưởng niệm liệt sĩ; xây dựng nhà tình nghĩa; hỗ trợ thương binh nặng…
“Nhiệm vụ trái tim tri ân đồng đội và hỗ trợ gia đình liệt sĩ còn rất nặng nề; đó là món nợ của người đang sống với trên một triệu liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc”, Đại tá Trần Thế Tuyển xúc đồng bày tỏ.
Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM cho rằng, thực tiễn cho thấy cần đổi mới chính sách với người có công; trong đó, cần quan tâm hơn nữa đến cha mẹ, vợ con liệt sĩ và thương binh nặng.
Ông cũng mong mỏi Đảng và nhà nước tiếp tục tạo điều kiện cao nhất có thể để các tổ chức thiện nguyện tri ân, trước hết Hội Hỗ trợ liệt sĩ TPHCM có đủ tư cách pháp nhân và điều kiện tối thiểu cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ tri ân đồng đội và hỗ trợ gia đình liệt sĩ.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao những đóng góp của Hội dành cho các gia đình liệt sĩ; đồng thời ghi nhận các ý kiến, đề xuất của hội.
Theo đồng chí, Đại hội XIII của Đảng đã có điểm rất mới về chính sách xã hội, cùng với các nghị quyết của Trung ương, gần đây nhất là Nghị quyết 42 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, nêu rõ: “… Bảo đảm người có công và gia đình người có công phải có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Cơ bản hoàn thành việc giải quyết tồn đọng trong chính sách người có công, nhất là tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; xây dựng, tu bổ, tôn tạo mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ. Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, khuyến khích tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.
Đồng chí cho rằng, song hành với phát triển kinh tế thì phát triển văn hóa, công tác đền ơn đáp nghĩa được nhà nước rất quan tâm. Đồng chí khẳng định, nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chủ trương cũng như các chế độ tiêu chuẩn và dành nguồn lực thỏa đáng cho chính sách người có công. Song, cũng cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị và nhân dân để tạo thành sức mạnh tổng hợp, chăm lo tốt hơn nữa cho đối tượng này.
Đồng chí mong muốn Hội bám sát chủ trương trên và thực hiện đúng tôn chỉ mục đích để triển khai các hoạt động hỗ trợ cho các gia đình liệt sĩ, người có công với đất nước, trong đó chọn một số nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện hiệu quả, lan tỏa. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị; đồng thời kết nối với các hội, các tổ chức chính trị – xã hội liên quan để tạo thành mạng lưới, tổ chức hiệu quả các hoạt động chăm lo cho người có công.
THU HƯỜNG