Các đại biểu dự hội nghị quán triệt, triển khai 4 quy định mới của Ban Bí thư. |
Ngày 11/5, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin-TT, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam, Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai các quy định mới của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì hội nghị.
Theo Ban Tuyên giáo Trung ương, tính tới năm 2022, cả nước có 815 cơ quan báo chí, 41.000 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, trong đó có hơn 19.000 người được cấp thẻ nhà báo. Những năm qua, báo chí Việt Nam phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh việc phát huy vai trò định hướng dư luận, đưa thông tin đa dạng đến người dân thì hoạt động báo chí cũng phát sinh nhiều vấn đề cần chấn chỉnh. Do đó, Ban Bí thư ban hành các quy định mới là vừa phù hợp tình hình mới, nhằm thống nhất trong quản lý, vừa đạt hiệu quả và tạo điều kiện phát triển cho báo chí, xuất bản.
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, hội nghị góp phần giúp các đại biểu nắm sâu sắc, đầy đủ về những nội dung các quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành. Trên cơ sở đó, vận dụng vào tình hình thực tế và triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất trong các cấp ủy, tổ chức Đảng và hệ thống chính trị và trong mỗi đảng viên.
Trong xu thế báo chí hiện đại, các cơ quan báo chí, nhà báo cần tiếp tục quán triệt sâu sắc việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng hành cùng với sự phát triển của xã hội; phải có những bài viết thấm sâu vào lòng dân, để dân biết cái nào sai trái, cái nào cần bảo vệ.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, thời gian tới, các cơ quan báo chí cần thực hiện theo đúng tôn chỉ mục đích để làm phong phú đời sống báo chí của đất nước. Đó là phản ánh xã hội làm sao cho đúng, cho chính xác, hướng tới chân thiện mỹ, hướng tới sự thật khách quan, không lấy phản ánh xã hội đi vào lợi ích nhóm làm ảnh hưởng đến sự nghiệp chung; phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Khuyến khích phản biện xã hội, tức nghị quyết đúng, chủ trương đúng, pháp luật có nhưng chỗ nào làm không tốt thì nêu lên. Tuyên truyền chống tham nhũng, tiêu cực phải chủ động, tích cực hơn và đưa tin phải khách quan, kịp thời.
PV (theo vov.vn)