Ngày 12/8, Nhà Trắng cho biết, Mỹ không có vai trò gì trong việc lật đổ Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina, người gần đây đã từ chức và rời khỏi quốc gia Nam Á sau 15 năm cầm quyền liên tục.
Mỹ khẳng định không có sự liên quan nào với việc lật đổ Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina, hiện đã từ chức và rời khỏi đất nước. |
Hãng tin ANI của Ấn Độ dẫn phát biểu của người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre tại một cuộc họp báo nhấn mạnh: “Chúng tôi không hề có sự liên quan nào. Bất kỳ báo cáo hoặc tin đồn nào cho rằng chính phủ Mỹ có liên quan đến những sự kiện này đều hoàn toàn sai sự thật”.
Theo bà Jean-Pierre, lập trường của Mỹ là “người dân Bangladesh nên quyết định tương lai của chính phủ”.
Trước đó một ngày, tờ Economic Times của Ấn Độ dẫn nội dung một bức thư mà cựu Thủ tướng Bangladeh Hasina gửi tới cáo buộc rằng, Mỹ đóng vai trò trong việc lật đổ bà.
Bức thư có đoạn: “Tôi đã từ chức Thủ tướng. Lẽ ra tôi có thể vẫn nắm quyền nếu từ bỏ chủ quyền đối với đảo St. Martin và cho phép Mỹ kiểm soát Vịnh Bengal”.
Theo Economic Times, bà Hasina đã truyền đạt thông điệp này cho tờ báo thông qua những cộng sự thân cận của bà.
Tuy nhiên, trong một bài đăng trên mạng xã hội X cùng ngày 11/8, ông Sajeeb Wazed, con trai của bà Hasina, khẳng định mẹ của ông chưa bao giờ đưa ra bất kỳ tuyên bố nào như vậy.
Trang tin Fisrtpost của Ấn Độ trước đó tiết lộ, Mỹ đã đề nghị thuê đảo St. Martin để xây dựng căn cứ không quân và hải quân.
Hôm 5/8, bà Hasina đã phải rời dinh thự chính thức ở thủ đô Dhaka để đến một nơi an toàn hơn giữa lúc bất ổn xảy ra ở Bangladesh, khi phong trào sinh viên biểu tình phản đối chính phủ dâng cao yêu cầu bà từ chức.
Chủ nhân Giải Nobel Hòa bình năm 2006 – Tiến sĩ Muhammad Yunus – đã chính thức được bổ nhiệm làm người đứng đầu chính phủ lâm thời của Bangladesh và đã tuyên thệ nhậm chức ngày 8/8.
Liên quan diễn biến tình hình Bangladesh, ngày 12/8, cảnh sát tại thủ đô Dhaka đã nối lại tuần tra trên các con phố, sau một tuần lực lượng này tiến hành đình công do lo ngại nguy cơ an ninh từ các cuộc biểu tình bạo loạn.
Biểu tình bạo lực nhiều tuần qua tại Bangladesh đã khiến hàng trăm người thiệt mạng. Trong thời gian biểu tình diễn ra, hơn 400 đồn cảnh sát đã bị tấn công, trong đó có một số đồn bị đốt phá. Một số nhân viên cảnh sát đã bị tấn công hoặc sát hại.
Vào ngày 6/8, Hiệp hội cảnh sát Bangladesh đã tuyên bố đình công vô thời hạn “cho đến khi an toàn của mọi cảnh sát được đảm bảo”.
Nguồn: https://baoquocte.vn/truoc-loi-to-cao-cua-cuu-thu-tuong-bangladesh-my-khang-dinh-trong-sach-282388.html