Nhà đầu tư tư nhân và quản lý tài sản trên toàn cầu đang sẵn sàng cho các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) trị giá hàng tỷ USD liên quan đến các trung tâm dữ liệu ở châu Á – Thái Bình Dương.
Chi tỷ USD tăng bảo mật và kiểm soát thông tin
Tính đến tháng 4/2024, Alibaba Cloud (công ty con của Tập đoàn Alibaba) có 89 trung tâm dữ liệu tại 30 khu vực trên thế giới đang hoạt động. Hãng thương mại điện tử Trung Quốc này đang có kế hoạch xây dựng một trung tâm dữ liệu tại Việt Nam để lưu trữ dữ liệu.
Tổng mức đầu tư và thời gian cụ thể cho dự án trên chưa được tiết lộ, nhưng theo tính toán của giới đầu công nghệ, chi phí thường hơn 1 tỷ USD. Lý do khiến các công ty như Alibaba muốn xây dựng máy chủ riêng, bên cạnh việc cân nhắc về chi phí, là nhằm đảm bảo tính bảo mật và kiểm soát thông tin tốt hơn.
Trên quy mô toàn cầu, Amazon Web Service (AWS – một công ty con của Amazon) đã xây dựng mạng lưới dịch vụ đám mây với 26 khu vực và đang mở rộng thêm 8 khu vực mới. Để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng tại Việt Nam, AWS vừa công bố đầu tư xây dựng AWS Local Zone tại Hà Nội. AWS Local Zone hứa hẹn mang lại khả năng kết nối nhanh hơn và giảm độ trễ xuống dưới 10 mili giây, giúp khách hàng tại Việt Nam sử dụng dịch vụ điện toán đám mây một cách hiệu quả hơn.
CMC Data Center Tân Thuận tại quận 7, TP.HCM có diện tích 13.000 m2, vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng |
Hiện thị trường trung tâm dữ liệu ở Việt Nam chủ yếu do một số công ty viễn thông địa phương chi phối, gồm Viettel IDC, VNPT, CMC Telecom, FTP Telecom và VNG Cloud. Trong khi đó, các nhà khai thác nước ngoài, như GDS, Telehouse và NTT, thường tham gia thị trường thông qua các liên doanh, chiếm một phần nhỏ thị trường.
Điều này là dễ hiểu khi các công ty nước ngoài trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu cần phải ký kết thỏa thuận thương mại với một công ty viễn thông Việt Nam để cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu trong nước. Tuy nhiên, tình hình này có thể sớm thay đổi, khi các chính sách và quy định liên quan được làm rõ hơn. Lúc đó, các nhà tư vấn, môi giới bất động sản quốc tế kỳ vọng có một lượng vốn đáng kể sẽ được đổ vào thị trường Việt Nam.
Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã đề xuất Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Viễn thông năm 2023. Dự thảo cho phép đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và sở hữu 100% của nước ngoài trong việc cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ OTT (dịch vụ truyền thông trực tiếp qua Internet) và điện toán đám mây. Luật Viễn thông 2023 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Thách thức lớn về quỹ đất và nguồn điện
Sự gia tăng chi phí đầu tư ban đầu, biểu giá điện, cùng các chi phí vận hành và bảo trì khiến trung tâm dữ liệu trở thành một khoản đầu tư đòi hỏi vốn rất lớn. Do đó, ngày càng nhiều thương vụ hợp tác giữa các nhà đầu tư và các nhà vận hành trung tâm dữ liệu diễn ra để đẩy nhanh tốc độ mở rộng.
Điển hình, GDS International – công ty con của GDS Holdings Limited đã huy động được 587 triệu USD thông qua một thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần do GDSI phát hành. KKR cam kết đầu tư tới 800 triệu USD mua lại 20% cổ phần trong doanh nghiệp trung tâm dữ liệu khu vực của Tập đoàn Viễn thông Singtel (Singapore), nhằm mở rộng các thị trường Singapore, Indonesia, Thái Lan, đồng thời khám phá các thị trường Malaysia, Việt Nam.
Theo báo cáo tại Hội nghị Data Center & Cloud Infrastructure Summit, tổng dung lượng thị trường trung tâm dữ liệu đạt khoảng 321 tỷ USD năm 2024, với tốc độ tăng trưởng trung bình 7,3%. Tại Việt Nam, dự báo những năm tới, sẽ có sự bùng nổ về trung tâm dữ liệu, với quy mô đạt 1,27 tỷ USD vào năm 2030, tốc độ tăng trưởng kép bình quân 10,8%…
Các nhà đầu tư tư nhân trên toàn cầu và các nhà quản lý tài sản đang sẵn sàng cho các thương vụ M&A trị giá hàng tỷ USD và các khoản đầu tư liên quan đến các trung tâm dữ liệu ở châu Á – Thái Bình Dương.
Savills ghi nhận, trong quý I/2024, các thương vụ mua lại trung tâm dữ liệu tại châu Á – Thái Bình Dương đã đạt đỉnh 1,7 tỷ USD, tăng 81% so với quý trước và 325% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 80% tổng khối lượng đầu tư cho cả năm 2023.
Tuy phát triển mạnh mẽ, nhưng thị trường trung tâm dữ liệu ở châu Á – Thái Bình Dương đang gặp thách thức lớn về việc đảm bảo đất đai phù hợp và nguồn cung điện ổn định. “Công cuộc tìm kiếm quỹ đất và nguồn điện gây áp lực lên các chủ đầu tư, buộc họ phải mở rộng quy mô tại các địa điểm chiến lược càng sớm càng tốt. Điều này tiếp tục đẩy chi phí phát triển lên cao”, ông Thomas Rooney, Quản lý Cấp cao Bộ phận Bất động sản công nghiệp, Savills Hà Nội nhận định.
Ngoài ra, việc các bên liên quan, bao gồm Chính phủ, khách hàng và xã hội, yêu cầu các trung tâm dữ liệu sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và giảm thiểu dấu chân carbon cũng là áp lực lớn đối với các nhà phát triển trung tâm dữ liệu.
Nguồn: https://baodautu.vn/trung-tam-du-lieu-don-thuong-vu-ma-d219295.html