Sáng nay (19/1), Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã tổ chức tổng kết hoạt động năm 2023. Theo đó, tính đến tháng 12/2023, tổng số thành viên ủy quyền tại VCPMC đã lên đến 5782 tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
Năm 2023, tổng số tiền bản quyền mà VCPMC đã thu (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là hơn 344 tỷ đồng. Số tiền bản quyền thu tại Việt Nam (chưa tính nguồn thu từ CMOs quốc tế) tăng khoảng 29% so với năm 2022; vượt 10% so với chỉ tiêu đề ra. Số tiền phân phối, chi trả đến các chủ sở hữu quyền tác giả qua 4 kỳ là hơn 305 tỷ đồng, tăng 90% so với năm 2022.
Tính đến nay, bộ phận pháp chế hai miền của VCPMC đã thực hiện tổng số 34 vụ kiện xâm phạm quyền tác giả, tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, tranh chấp hợp đồng; hiện đã giải quyết xong 20 vụ trên tổng số 40 vụ việc, đồng thời tiếp tục đẩy nhanh việc cảnh báo vi phạm và lập hồ sơ khởi kiện các vụ việc vi phạm tiếp theo.
VCPMC cho biết, hiện nay, Trung tâm thường xuyên gặp khó khăn bởi nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn vẫn có tình trạng trì hoãn trả tiền bản quyền, lạm dụng cơ chế thỏa thuận để cố ý làm mờ nhạt đi quyền “độc quyền” của tác giả đã được pháp luật quy định cũng như né tránh nghĩa vụ thuộc về bên sử dụng, gây khó khăn, tốn kém về chi phí xử lý, thời gian và nhân lực của VCPMC.
Một số chương trình như: BlackPink, Mắt Biếc – Tình ca Ngô Thụy Miên, BamBam The 1st World Tour Area 52… dù kéo dài thỏa thuận nhưng cũng đã trả tiền trước giờ biểu diễn; còn các chương trình: Mây Sài Gòn, Mây Lang Thang (Đà Lạt, Hà Nội), Lululola… đã không thiện chí trả tiền bản quyền và hiện bộ phận pháp lý của VCPMC đang lập hồ sơ khởi kiện.
Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc gặp nhiều khó khăn trong bảo vệ quyền tác giả
Theo VCPMC, hiện nay, lưu lượng sử dụng các sản phẩm âm nhạc trên nền tảng kỹ thuật số, mạng xã hội đang ngày càng gia tăng, điều này đặt ra bài toán về việc các tổ chức bảo vệ quyền tác giả. Do đó, để nâng cao hiệu quả của hoạt động xử lý dữ liệu, VCPMC cùng các CMOs trong khu vực do JASRAC chủ trì đang lên kế hoạch xây “Hệ thống Trao đổi Dữ liệu”.
NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Việt Nam và NSND Thanh Hoa – Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn phát biểu tại sự kiện. Ảnh: BTC
Việc VCPMC ký kết hợp tác với các nền tảng: Youtube, Facebook, Tiktok, Apple, Spotify… nhằm xây dựng kênh âm nhạc dành riêng cho từng nhạc sĩ, không chỉ tối đa hóa nguồn thu từ việc khai thác tác phẩm, mà còn thu được tiền thù lao từ việc khai thác bản ghi do chính nhạc sĩ đầu tư sản xuất.
Đây cũng là một trong những nỗ lực của VCPMC đồng hành cùng các thành viên trong việc hỗ trợ phổ biến, quảng bá tác phẩm. Qua đó rà soát, phát hiện các trường hợp xâm phạm quyền tác giả, phổ biến trên môi trường kỹ thuật số. Gửi cảnh báo và phản ánh vi phạm đối với các website, ứng dụng nhạc, các bản ghi/link/kênh trực tuyến có hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Hiện VCPMC đang là tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả duy nhất tại Việt Nam, được quyền đại diện để quản lý và bảo vệ lợi ích của trên 5 triệu tác giả quốc tế tại lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, với các cam kết song phương và cơ chế phối hợp giữa VCPMC và các tổ chức quốc tế, quyền lợi của tác giả Việt Nam cũng được quản lý, bảo vệ tại 86 tổ chức quản lý tập thể quyền với phạm vi điều chỉnh ở 154 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Để đáp ứng sự phát triển và hội nhập, tháng 1/2024, VCPMC đã chuyển trụ sở của chi nhánh khu vực phía Nam về địa điểm mới khang trang hơn. Theo kế hoạch, VCPMC tiếp tục có những thay đổi về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật tại trụ sở chính ở Hà Nội. Đồng thời, theo kế hoạch và yêu cầu của CISAC, VCPMC sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị CISAC toàn cầu tại Việt Nam vào cuối năm 2025.
Nguồn: https://danviet.vn/trung-tam-bao-ve-quyen-tac-gia-am-nhac-lap-ho-so-khoi-kien-may-sai-gon-may-lang-thang-lululola-20240119145447738.htm