42 năm trước, một đơn vị non trẻ được tỉnh Thừa Thiên Huế thành lập để mang trên mình nhiệm vụ hết sức nặng nề: Hồi sinh di sản Huế đang bên bờ vực bị xóa sổ.
Đơn vị ấy có tên là Công ty Quản lý di tích lịch sử và văn hóa Huế, tiền thân của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế ngày nay.
Công ty và nay là trung tâm được thành lập với nhiệm vụ tham mưu xây dựng kế hoạch, chiến lược bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị di sản cố đô Huế. Đây cũng chính là bước ngoặt to lớn cho công cuộc phục hưng di sản Huế.
Hàng chục công trình lớn nhỏ thuộc quần thể di tích cố đô Huế đã được trung tâm nghiên cứu, trùng tu hay phục hồi để đảm bảo tính cấp thiết, cứu nguy một hệ thống di sản đồ sộ của triều Nguyễn bị thời gian, chiến tranh tàn phá nặng nề.
Rõ nhất là hệ thống cung điện bên trong Hoàng cung Huế hiện nay đã trở thành biểu tượng khi nhắc đến đất cố đô kinh kỳ.
Gần đây nhất là việc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế sẽ mở cửa phục vụ du khách tham quan hai ngôi điện quan trọng bậc nhất Hoàng cung Huế là điện Thái Hòa và điện Kiến Trung.
Điện Thái Hòa – nơi đặt ngai vàng – là trung tâm quyền lực quốc gia dưới triều Nguyễn, được trùng tu khẩn cấp. Còn điện Kiến Trung – nơi sinh hoạt hằng ngày của vua Khải Định và Bảo Đại – đã bị phá hủy trong chiến tranh vào năm 1947, nay được phục dựng gần như nguyên vẹn.
Cùng với dự án phục hồi điện Cần Chánh sắp được trung tâm triển khai sẽ mang lại một diện mạo mới cho khu di tích Hoàng cung triều Nguyễn.
Di sản Huế đi từ sự hoang tàn, đổ nát được nhanh chóng phục hồi, vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp để bước vào giai đoạn phát triển ổn định và bền vững.
Đến nay, Huế tự hào đã có 5 di sản được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, đó là: Quần thể di tích cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016).
Ông Hoàng Việt Trung, giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết công tác bảo tồn, trùng tu di tích đạt được nhiều kết quả quan trọng, đến nay các di tích đã bước qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và chuyển sang giai đoạn ổn định, phát triển.
Hầu hết các di tích được thường xuyên bảo quản bằng các biện pháp chống dột, chống sập, chống mối mọt, gia cố và thay thế các bộ phận bị lão hóa… Nhờ vậy mà trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt xảy ra liên tiếp, các di tích vẫn được bảo tồn và kéo dài tuổi thọ.
“Trong năm mới Giáp Thìn, trung tâm sẽ tiếp tục công tác bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích cố đô Huế. Góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh nhà thực hiện thắng lợi nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương năm 2025”, ông Trung nói.
Với những thành tích trong công tác phục hồi di sản Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý, vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba (2017), Huân chương Lao động hạng Ba (1996), hạng Nhì (2001) và hạng Nhất (2006), trong nhiều năm liền đã nhận được Cờ Thi đua xuất sắc về ngành bảo tồn bảo tàng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…