TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Trong 3 năm kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19, các mục tiêu ngoại giao toàn cầu của Trung Quốc hầu như bị đóng băng. Giờ đây, trong bối cảnh Mỹ bận rộn với chiến dịch bầu cử trong nước trong khi cộng đồng quốc tế bận tâm cuộc chiến ở Ukraine, Bắc Kinh đã “trở lại”, thúc đẩy nỗ lực ngoại giao nhằm thay thế “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” của phương Tây.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Bắc Kinh hôm 19-6. Ảnh: AP
Từ đề nghị thúc đẩy quan hệ giữa Palestine và Israel đến đưa ra các đề xuất hòa bình cho cuộc chiến tại Ukraine, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đẩy mạnh chiến dịch gây ảnh hưởng toàn cầu trong bối cảnh quan hệ với Mỹ trở nên xấu đi. Trước khi tiếp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 19-6, chính quyền Tập Cận Bình trong những tháng gần đây đã trải thảm đỏ chào đón Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng như nguyên thủ của một số quốc gia Trung Á. Mới đây, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Ðài Loan, ông Tập đã tiếp Tổng thống Honduras, Xiomara Castro đến dự lễ khai trương đại sứ quán sau khi Tegucigalpa cắt đứt quan hệ với Ðài Bắc. Bắc Kinh đồng thời giới thiệu Sáng kiến Văn minh Toàn cầu (GCI), sáng kiến cuối cùng trong “bộ ba” sáng kiến gồm Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI) và Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI), giữ vai trò “vun đắp khu vườn văn minh thế giới”. Theo tờ Nikkei Asia, GCI ủng hộ “khát vọng chung” của nhân loại và đưa ra thông điệp: “Hãy tham gia câu lạc bộ của chúng tôi. Không giống như phương Tây, chúng tôi sẽ không bảo bạn phải làm gì”.
Moritz Rudolf, học giả nghiên cứu về luật và là thành viên tại Trung tâm Trung Quốc Paul Tsai thuộc Trường Luật Yale (Mỹ) cho rằng so với cách Trung Quốc đã hành động trước đây, GCI “tinh vi hơn, mang tính chiến lược và định hướng dài hạn hơn”. “Ðó là tầm nhìn mà Trung Quốc đang hướng tới trong khi các nước phương Tây hiện đang trong cuộc khủng hoảng sâu sắc, đang tìm cách đối phó với rất nhiều thách thức trong một thế giới phức tạp” – ông Rudolf nhận định.
Trong buổi tiếp Ngoại trưởng Blinken tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh chiều 19-6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh Bắc Kinh luôn hy vọng về một mối quan hệ ổn định và vững chắc với Washington. Theo Tân Hoa xã, Chủ tịch Tập cho rằng Trung Quốc và Mỹ nên hành động với tinh thần trách nhiệm, giải quyết phù hợp mối quan hệ song phương. Bằng cách này, hai nước có thể đóng góp cho hòa bình và sự phát triển toàn cầu. Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh sự cạnh tranh giữa các nước lớn không đại diện cho xu thế của thời đại, càng không thể giải quyết các vấn đề của chính nước Mỹ hoặc những thách thức mà thế giới phải đối mặt. Ông khẳng định Trung Quốc tôn trọng lợi ích của Mỹ và không tìm cách thách thức hoặc thay thế Washington. Trên tinh thần này, Mỹ cần tôn trọng Trung Quốc, không làm tổn hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của Bắc Kinh. |
Thật ra, Trung Quốc từ lâu đã đặt ra tầm nhìn trong việc tái định hình các chuẩn mực toàn cầu. Năm 2021, Bắc Kinh đưa ra GDI, tập trung vào các hoạt động xóa đói giảm nghèo, chống dịch bệnh, phổ cập vaccine COVID-19, biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, công nghiệp hóa, kinh tế kỹ thuật số…, đồng thời đề xuất các ý tưởng và kế hoạch hợp tác mới để phát triển đồng thuận, tạo động lực mới cho việc thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030. Sau đó, chỉ 2 tháng sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine hồi đầu năm ngoái, Trung Quốc triển khai GSI, trong đó đề cao tầm nhìn về an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững; theo đuổi mục tiêu dài hạn là xây dựng một cộng đồng an ninh và ủng hộ một lộ trình mới cho an ninh với đối thoại thay vì đối đầu, hợp tác thay vì liên minh và trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.
Giờ đây với GCI, Bắc Kinh đang củng cố chính sách đối ngoại bằng cách tạo ra các thể chế đầy tham vọng nhằm thay thế sự hợp tác toàn cầu. Sáng kiến kêu gọi tôn trọng sự đa dạng của các nền văn minh thế giới, phát huy các giá trị chung của nhân loại, xem trọng sự kế thừa và đổi mới văn minh, tăng cường giao lưu và hợp tác nhân văn quốc tế. “Các quốc gia cần cởi mở trong việc đánh giá cao nhận thức về giá trị của các nền văn minh khác nhau và không áp đặt các giá trị hoặc mô hình riêng của nước mình lên các nước khác và không gây ra sự đối đầu về ý thức hệ” – Chủ tịch Tập phát biểu tại Ðối thoại chính đảng hồi tháng 3.
Trong khi đó, các tổ chức không lấy phương Tây làm trung tâm cũng đã cung cấp cho Trung Quốc nền tảng để thúc đẩy tầm nhìn về một trật tự thế giới mới, gồm Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và BRICS, liên minh gồm Brazil, Nga, Ấn Ðộ, Trung Quốc và Nam Phi. Tại cuộc họp các ngoại trưởng BRICS hồi đầu tháng này ở thành phố Cape Town (Nam Phi), các thành viên tham gia cuộc họp kêu gọi tái cân bằng trật tự toàn cầu khỏi các quốc gia phương Tây, nhấn mạnh thế giới là đa cực.