Thăng hạng học thuật
Tổ chức Shanghai Ranking Consultancy (Trung Quốc) hôm 15.8 công bố bảng xếp hạng học thuật các ĐH thế giới năm 2023. Trong đó, ba vị trí đầu không thay đổi so với năm trước, lần lượt thuộc về các đại diện đến từ Mỹ là ĐH Harvard, ĐH Stanford và Viện Công nghệ Massachusetts.
Trung Quốc đại lục là cái tên nổi bật khi chiếm tổng cộng 191 thứ hạng ở tốp 1.000, đánh dấu việc lần đầu vượt qua Mỹ (187 trường). Nhưng trong danh sách 100 tổ chức giáo dục tốt nhất, Mỹ vẫn dẫn đầu với 38 ĐH, theo sau là Trung Quốc đại lục với 10 đại diện. ĐH Thanh Hoa giữ vị trí cao nhất ở hạng 22 và đây cũng là ngôi trường có thứ hạng cao nhất tại châu Á.
Không chỉ ĐH Thanh Hoa, tất cả trường ĐH Trung Quốc đều tăng thứ hạng, trừ ĐH Khoa học và công nghệ Trung Quốc giảm 2 bậc, rơi xuống vị trí thứ 64. Ngoài ra, Trung Quốc đại lục còn ghi nhận có 35 trường ĐH lần đầu lọt tốp 1.000, và ĐH Trung Nam (hạng 95), ĐH Nam Kinh (hạng 96) lần đầu tiến vào danh sách 100 trường tốt nhất thế giới, theo tờ China Daily.
Những thành tích trên phản ánh sự thăng hạng của Trung Quốc trong lĩnh vực giáo dục ĐH, trang University World News nhận xét. Cách đây 20 năm, khi bảng xếp hạng học thuật các ĐH thế giới lần đầu ra mắt, không có đại diện nào của quốc gia này lọt tốp 100 và chỉ 9 đơn vị nằm trong danh sách 1.000 trường tốt nhất.
Sự thăng hạng của Trung Quốc cũng là xu hướng chung trên các bảng xếp hạng ĐH toàn cầu uy tín. Chẳng hạn, bảng xếp hạng ĐH thế giới năm 2024 của tổ chức QS (Anh) ghi nhận có 71 ĐH Trung Quốc trong danh sách 1.500 trường tốt nhất, tăng 20 ĐH so với năm 2021. Trong đó, có 5 đại diện thuộc tốp 100, dẫn đầu là những cái tên quen thuộc như ĐH Bắc Kinh (hạng 17), ĐH Thanh Hoa (25).
Còn trong bảng xếp hạng ĐH thế giới năm 2023 của tạp chí Times Higher Education (Anh), Trung Quốc có 95 cái tên xuất hiện trong danh sách 2.345 trường đứng đầu, với 7 đại diện vào tốp 100. Cách đây 12 năm, vào 2011, quốc gia này chỉ có 6 ĐH được xếp hạng trong danh sách 200 trường tốt nhất thế giới, với 3 đại diện trong tốp 100.
Lưu ý gì khi du học Trung Quốc?
Sự thăng hạng của các ĐH Trung Quốc cùng cơ hội làm việc rộng mở sau khi về nước là những nguyên nhân khiến ngày càng nhiều du học sinh Việt chọn quốc gia này làm điểm đến, thay vì các thị trường truyền thống như Úc, Mỹ hay Canada, theo chuyên gia.
Cụ thể, thạc sĩ Nguyễn Duy Việt, Giám đốc Công ty TNHH Du học Hoa Ngữ (Hà Nội), khẳng định chưa bao giờ số học sinh Việt du học Trung Quốc cao như hiện tại. Đây là đúc kết sau khi anh Việt lắng nghe chia sẻ từ các đơn vị tư vấn du học lẫn trường ĐH Trung Quốc.
“Rất nhiều trường nói rằng phần lớn hồ sơ xin học bổng của họ đến từ Việt Nam. Có thể nói, đây là năm bùng nổ của du học Trung Quốc khi mức độ quan tâm lớn hơn cả thời điểm trước dịch”, anh Việt đánh giá.
Tuy nhiên, số du học sinh tăng mạnh cũng khiến quy trình tuyển sinh lẫn xét duyệt học bổng nghiêm ngặt, cạnh tranh hơn. Cụ thể, rất nhiều trường ĐH Trung Quốc năm nay yêu cầu ứng viên chứng minh tài chính và có chứng chỉ năng lực tiếng Trung (HSK), dù trước đây rất hiếm nơi yêu cầu. Với học bổng chính phủ Trung Quốc, có những trường bắt buộc thí sinh trải qua 3-4 vòng xét duyệt như phỏng vấn, làm bài kiểm tra đầu vào.
“Tuy còn khá nhiều trường sẵn sàng chấp nhận sinh viên quốc tế không có HSK, nhưng các bạn sẽ có ít lựa chọn về chuyên ngành hay khu vực. Vì thế, nếu có dự định du học Trung Quốc, các bạn nên sớm bắt đầu học tiếng Trung và đạt trình độ HSK4 trở lên”, anh Việt khuyên.
Cũng theo nam giám đốc, bên cạnh các chuyên ngành quen thuộc như Hán ngữ, Trung y, kinh tế, truyền thông…, du học sinh Việt gần đây dành nhiều quan tâm đến các lĩnh vực liên quan đến công nghệ thông tin, kỹ thuật. “Bậc học phổ biến nhất là cử nhân, tuy nhiên các chương trình sau ĐH hoặc ngắn hạn như một năm tiếng, một kỳ tiếng, trại hè… cũng ngày càng thu hút”, anh Việt thông tin.
Chia sẻ thêm về thị trường lao động, chuyên gia du học cho rằng Việt Nam đang có rất nhiều doanh nghiệp đến từ các quốc gia, nền kinh tế nói tiếng Trung bên cạnh Trung Quốc như Đài Loan, Singapore, Malaysia…, với đa dạng lĩnh vực như xuất nhập khẩu, may mặc, điện tử. Ngoài ra, tiếng Trung ngày càng phổ biến cũng kéo theo cơ hội việc làm mở rộng ở những lĩnh vực như sư phạm, biên phiên dịch, du lịch.
“Cơ hội rất rộng mở cho các bạn du học sinh Việt chọn về nước. Song song đó, tuy Trung Quốc là đất nước tỉ dân với thị trường lao động lớn và cạnh tranh, nhưng các bạn có trình độ tốt vẫn còn cơ hội ở lại làm việc trong các ngành nghề như xuất nhập khẩu tại các công ty có đối tác Việt Nam, hay du lịch, giáo dục…”, thạc sĩ Việt nêu quan điểm.
Theo thống kê từ Đại sứ quán Trung Quốc, năm 2022 có 27.000 du học sinh Việt theo học tại các cơ sở giáo dục của quốc gia này. Con số trên tăng gấp đôi so với năm 2018 là hơn 11.000 người.