Vào tháng 3, một lời mời dạy nấu ăn kiểu Trung Quốc tại một nhà hàng đã đưa anh vào một tổ hợp lừa đảo qua mạng ở Myanmar. Thay vì dạy nấu ăn, anh được yêu cầu dụ dỗ người Trung Quốc đem tiền tiết kiệm của họ “nướng” vào các chương trình đầu tư giả mạo thông qua các nền tảng mạng xã hội.
Zhang là một trong hàng chục nghìn người, hầu hết nhưng không phải tất cả là người Trung Quốc, đã bị mắc kẹt trong các mạng lưới lừa đảo trên mạng do các tập đoàn tội phạm Trung Quốc hùng mạnh ở Đông Nam Á điều hành.
Chính quyền khu vực và Trung Quốc đã truy bắt hàng nghìn người trong một cuộc trấn áp, nhưng các chuyên gia cho biết họ không thể loại bỏ tận gốc và các mạng lưới tội phạm chắc chắn sẽ tiếp tục thực hiện các âm mưu này.
Khi các hoạt động lừa đảo bị ngăn chặn ở một nơi, chúng thường xuất hiện trở lại ở nơi khác. Vấn đề này khiến chính quyền Trung Quốc bối rối và cảnh báo người dân đi du lịch đến Đông Nam Á vì sợ họ có thể bị lừa hoặc bị bắt cóc và cuốn vào một hoạt động lừa đảo trên mạng.
Trong những năm gần đây, các phương tiện truyền thông đã phát hiện ra nhiều trường hợp thanh niên bị dụ dỗ đến Campuchia hoặc Myanmar để làm những công việc lương cao, rồi thực tế bị buộc phải làm những việc lừa đảo. Các tổ chức giải cứu cho biết mọi người thường xuyên bị đánh đập hoặc phải đối mặt với các hình phạt về thể xác.
Vào tháng 8, Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Myanmar đã đồng ý thành lập một trung tâm điều hành cảnh sát chung để giải quyết các vụ lừa đảo trên mạng trong khu vực. Vào ngày 10 tháng 10, Bộ Công an Trung Quốc thông báo rằng “Chiến dịch Mùa hè” của họ đã đưa thành công 2.317 nghi phạm lừa đảo từ Myanmar về Trung Quốc.
Trung Quốc gọi những người như vậy là nghi phạm, dù các chuyên gia cho rằng hầu hết họ là nạn nhân bị buộc phải làm việc cho bọn tội phạm.
Các “chân rết” có trụ sở tại các quốc gia như Myanmar, Lào và Campuchia được điều hành bởi các ông chủ Trung Quốc cùng với giới tinh hoa địa phương.
Các khu vực biên giới của Myanmar từ lâu đã trở thành thỏi nam châm thu hút tội phạm vì việc thực thi pháp luật lỏng lẻo. Những nơi như vậy thường nằm dưới sự kiểm soát của các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số. Một số còn hợp tác với các băng nhóm tội phạm có tổ chức.
Các chuyên gia cho biết, nhìn chung, các hành động thực thi luật pháp có vẻ không toàn diện lắm. Các nhóm hiện có trụ sở tại Myanmar ban đầu được đặt tại Campuchia. Khi Campuchia trấn áp các đường dây cờ bạc trực tuyến và sòng bạc bất hợp pháp vào năm 2019, nhiều nhóm đã chuyển đến những nơi có ít chính sách kiểm soát hơn ở Myanmar. Một số đã bị các băng nhóm đối thủ tiếp quản.
Mai Vân (theo AP, Tân Hoa Xã)