Trung Quốc đang đẩy nhanh quá trình hoàn thiện tàu Type 076, là thế hệ tiếp theo của Type 075, nhằm tăng cường năng lực đổ bộ tấn công – vốn đang được nước này vận dụng như biện pháp đe dọa trong tranh chấp chủ quyền trên biển.
Tờ South China Morning Post đưa tin Trung Quốc hôm qua (27.12), đã hạ thủy chiếc Type 076 đầu tiên.
Sức mạnh mới
So với thế hệ tiền nhiệm là Type 075 có độ choán nước toàn tải 40.000 tấn, Type 076 không chỉ tăng độ choán nước toàn tải lên mức 50.000 tấn mà còn được trang bị bộ phóng điện từ để tăng cường khả năng tác chiến bằng cách phóng máy bay không người lái (UAV) nhanh hơn. Qua đó, tàu đổ bộ tấn công Type 076 có thể tăng tốc về khả năng đổ bộ lưỡng cư (trên biển lẫn trên bộ) và cường độ tấn công. Theo nhiều phân tích, có vẻ như Trung Quốc đang hướng đến phát triển Type 076 thành tàu sân bay dành cho UAV.
Ngoài ra, Type 076 vẫn có đủ các đặc trưng của dòng tàu đổ bộ tấn công thế hệ trước. Đó là có thể chở theo 1.000 binh sĩ, hàng chục máy bay trực thăng các loại bao gồm cả các loại trực thăng chiến đấu đa nhiệm Z-8 và Z-9, cùng 2 tàu đổ bộ đệm khí.
Thời gian qua, nhiều chỉ dấu cho thấy Trung Quốc đang muốn nâng tầm các tàu Type 075 và 076 theo cách thức mà Mỹ thực hiện với tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp và lớp America, hay như cách Nhật Bản vận hành tàu đổ bộ lớp Izumo. Mỹ và Nhật triển khai chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-35 phiên bản cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng cho các lớp tàu Wasp, America, Izumo. Khi đó, các tàu đổ bộ tấn công này còn có thể hoạt động như tàu sân bay hạng nhẹ. Trung Quốc thì đang nỗ lực phát triển J-35 với tính năng tương tự để triển khai cho các loại tàu Type 075 và Type 076.
Phục vụ tham vọng kiểm soát các vùng biển
Thời gian qua, dù trong thời bình nhưng tàu đổ bộ tấn công vẫn được triển khai để phục vụ cho tham vọng của Trung Quốc về chủ quyền trên biển.
Giữa năm nay, trong lúc căng thẳng nghiêm trọng với Philippines ở Biển Đông, tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin Bắc Kinh đã điều động tàu Type 075 đến khu vực bãi Xu Bi ở Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Trước đó, Trung Quốc thông báo 1 tàu đổ bộ Type 071 của nước này vừa tiến hành tập trận đổ bộ có sự tham gia của tàu đổ bộ đệm khí tại bãi Xu Bi.
Phân tích khi trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) chỉ ra tàu đổ bộ tấn công là dạng tàu lưỡng cư, đồng thời là tàu chiến lớn nhất để đáp ứng mục tiêu kiểm soát trong thời bình. Thời chiến, hoạt động quân sự đòi hỏi phải loại bỏ sự kháng cự của đối phương. Tuy nhiên, trong thời bình, không thể đánh chìm tàu của các nước khác, nên năng lực phục vụ toàn diện của tàu đổ bộ tấn công có nhiều ý nghĩa.
Trung Quốc đang có ý định xây dựng và cải tạo các đảo nhân tạo. Điều này đòi hỏi khả năng đổ bộ. Vì thế, nếu sử dụng tàu đổ bộ tấn công, Trung Quốc thể hiện sự tự tin hơn trong việc tiếp tục hoạt động. Thông qua tàu đổ bộ tấn công, Trung Quốc có thể đổ bộ nhiều quân nhân hoặc công nhân xây dựng. Đó là lý do tại sao việc Trung Quốc triển khai tàu Type 075 ở Biển Đông trở thành vấn đề đáng lo ngại.
Chính vì thế, khi tăng cường thêm lực lượng tàu đổ bộ tấn công thì Trung Quốc còn có thể đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động ở Biển Đông cũng như các vùng biển khác.
Trung Quốc phát triển chiến đấu cơ thế hệ 6?
Hôm qua (27.12), tờ South China Morning Post dẫn 1 clip trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy một dòng chiến đấu cơ mới của nước này đang được bay thử (ảnh).
Sau đó, một số kênh chính thức từ quân đội “úp mở” xác nhận thông tin trên. Đây được cho là dòng chiến đấu cơ thế hệ 6 có khả năng tàng hình. Đến nay, Trung Quốc đã phát triển 2 dòng chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình là J-35 và J-20 lần lượt có thiết kế khá giống với chiến đấu cơ F-35 và F-22 của Mỹ. Cả 2 dòng J-35 và J-20 đều đã được biên chế cho các lực lượng của Trung Quốc.
Nguồn: https://thanhnien.vn/trung-quoc-tang-cuong-thuc-luc-do-bo-tan-cong-tren-bien-185241227231043763.htm