Ra mắt vào ngày 3/8, Trung tâm nghiên cứu Neuromodulation và BCI của Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải dự kiến thúc đẩy sự đổi mới để phát huy tiềm năng mang tính cách mạng của công nghệ BCI trong ngành y tế và chăm sóc sức khỏe, chẳng hạn như phục hồi thị lực cho người mù và khả năng vận động cho bệnh nhân bị liệt.
Trung tâm nghiên cứu trị giá 400 triệu nhân dân tệ (56 triệu USD) tại Đại học Phúc Đán được xây dựng trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy phát triển công nghệ đột phá trong cuộc chạy đua giành vị thế thống trị về công nghệ với Mỹ, quốc gia dẫn đầu lâu năm trong nghiên cứu BCI.
Trung tâm nghiên cứu mới này nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách giữa nghiên cứu bệnh não và ngành công nghiệp, Đại học Phúc Đán cho biết trên trang web của mình.
Trung tâm này đại diện cho sự tích hợp có hệ thống các nguồn lực liên quan đến khoa học não bộ của trường đại học và kỳ vọng sẽ thúc đẩy ứng dụng lâm sàng và công nghiệp hóa BCI.
Tháng 12/2021, chính quyền thành phố Thượng Hải đã liệt kê thiết bị phục hồi chức năng và tập luyện với công nghệ BCI là trọng tâm phát triển thiết bị y tế cao cấp theo kế hoạch 5 năm mới nhất của thành phố.
BCI là một trong những ngành công nghiệp tương lai được chính quyền trung ương đặc biệt thúc đẩy là “lực lượng sản xuất chất lượng mới”, một khái niệm về phát triển sáng tạo, công nghệ cao được Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra cách đây khoảng một năm.
Vào tháng 1, Bắc Kinh công bố hướng dẫn chính thức về phát triển các ngành công nghiệp mới nổi, trong đó nhấn mạnh đến việc công nghiệp hóa các công nghệ BCI.
Theo đó, quốc gia này khuyến khích “những đột phá trong các công nghệ và thiết bị quan trọng như công nghệ kết hợp não – máy tính và chip giống não, cũng như khám phá các ứng dụng trong các lĩnh vực điển hình như phục hồi chức năng y tế”.
Một phòng thí nghiệm BCI cũng được thành lập vào tháng 3/2023 tại thành phố cảng Thiên Tân, đông bắc gần Bắc Kinh. Tháng 5 năm nay, phòng thí nghiệm đã thành lập Hiệp hội BCI và Hợp nhất Người – Máy với sự tham gia của hơn 40 tổ chức tài chính, viện nghiên cứu và công ty nhà nước, theo Cục khoa học và công nghệ Thiên Tân cho biết.
Mỹ đã dẫn đầu về công nghệ BCI trong nhiều năm, với những đóng góp nghiên cứu đáng kể từ Đại học California, Berkeley và Viện Công nghệ Massachusetts.
Neuralink, công ty tiên phong về BCI được đồng sáng lập bởi Elon Musk vào năm 2016, vừa thông báo đã cấy ghép thành công cho bệnh nhân bị liệt thứ hai một thiết bị được thiết kế để cho phép sử dụng các thiết bị kỹ thuật số chỉ bằng suy nghĩ,
Vào tháng 2, các nhà khoa học tại Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc đã báo cáo “tiến triển đột phá” ở bệnh nhân đầu tiên của họ về cấy ghép BCI không dây và cho biết thiết bị của họ ít xâm lấn hơn chip Neuralink của Musk.
Trung Quốc cũng đang chạy đua để thiết lập các tiêu chuẩn công nghiệp cho công nghệ tương lai, bao gồm các mối quan tâm chính về đạo đức như quyền riêng tư, an toàn và quyền tự chủ, và đã ban hành hướng dẫn vào tháng 2 để điều chỉnh việc phát triển và ứng dụng nghiên cứu BCI.
Ngọc Ánh (theo SCMP)
Nguồn: https://www.congluan.vn/trung-quoc-ra-mat-trung-tam-nghien-cuu-chip-nao-quyet-canh-tranh-voi-my-post306571.html