Mới đây, một ca nhóm máu P – hiếm hơn cả nhóm “máu khủng long” hay “máu gấu trúc” – được phát hiện tại tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc.
Nhóm máu Rhesus (Rh) âm, thường được gọi là “máu gấu trúc”, chiếm khoảng 0,4% dân số Trung Quốc; nhóm máu kiểu hình (phenotype) para-bombay, được gọi là “máu khủng long”, chiếm khoảng 1/10.000 tới 1/100.000; trong khi số ca nhóm máu P hiếm tới mức chỉ có 1/1.000.000.
Trước ca ở Giang Tô, Trung Quốc chỉ có 9 ca thuộc nhóm máu P được ghi nhận.
Dữ liệu cho thấy, trong hệ thống nhóm máu P có 5 kiểu hình thông thường là P1, P2, P1k, P2k và P.
Ở ca nhóm máu P vừa phát hiện, các chuyên gia Trung Quốc xác nhận, trình tự nucleotide ở ca này cho đến nay vẫn chưa được tìm thấy ở ca nhóm máu P nào khác trên thế giới.
Bác sĩ Cao Guoping của Bệnh viện Nhân dân Thái Hưng, tỉnh Giang Tô cho hay, ca máu hiếm vừa phát hiện có giá trị lâm sàng rất lớn.
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh (NHS), mỗi nhóm máu sở hữu một hỗn hợp đường và protein riêng biệt được gọi là kháng nguyên, hiện diện trên bề mặt tế bào hồng cầu.
Với hơn 600 kháng nguyên, có tiềm năng đáng kể về sự đa dạng nhóm máu giữa các cá thể. Báo cáo của NHS lưu ý, nếu máu của một cá nhân chứa các kháng nguyên không phổ biến hoặc thiếu các kháng nguyên thường thấy, cá nhân đó có thể có nhóm máu hiếm.
Trước đó, vào năm 2022, Trung Quốc cũng phát hiện 2 phụ nữ có nhóm máu hiếm nhất thế giới.
Theo Global Times, Bệnh viện Taizhou Jiangsu (Giang Tô, Trung Quốc) đã phát hiện nhóm máu Rh-null ở một bệnh nhân nữ bị thiếu máu nặng khi làm xét nghiệm nhóm máu và kháng thể của người này. Chị gái của bệnh nhân sau đó cũng được phát hiện có cùng nhóm máu.
Rh-null được gọi là nhóm “máu vàng” và quý hơn cả nhóm máu Rh âm.
Những người có nhóm máu Rh-null không có kháng nguyên Rh trên các tế bào hồng cầu của mình nên họ có thể truyền máu cho những người thuộc bất kỳ nhóm máu nào khác mà không có phản ứng đào thải. Nhưng đồng thời, việc có một nhóm máu cực hiếm như vậy có thể gây khó khăn hoặc thậm chí họ không thể được truyền máu hoặc cấy ghép nội tạng từ người khác.
Cũng vì sự khan hiếm này, “máu vàng” thường chỉ được hiến trong những trường hợp cực đoan nhất, bởi người mang nhóm máu này không thể tiếp nhận bất cứ loại máu nào trừ chính máu Rh-null. Điều này đồng nghĩa với việc người sở hữu nhóm máu Rh-null có nguy cơ chết vì mất máu cao hơn hẳn người bình thường.
Người đầu tiên trên thế giới được phát hiện mang nhóm máu Rh-null là một phụ nữ Úc vào năm 1961. Cho đến nay, cả thế giới mới ghi nhận gần 50 người mang nhóm máu này và có 4 người ở Trung Quốc.
Minh Hoa (t/h theo Lao Động, Dân trí)