Nhóm nghiên cứu Trung Quốc đã tìm thấy DNA của dê và vi khuẩn lên men từ các mẫu sữa thời đại đồ đồng nằm rải rác quanh cổ xác ướp trong quan tài tại nghĩa trang Xiaohe thuộc khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc), theo South China Morning Post.
Nghiên cứu trên được các nhà khoa học từ Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, Đại học Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, Bệnh viện số 3 Đại học Bắc Kinh, Viện Di tích văn hóa và khảo cổ học Tân Cương và Đại học Tân Cương đã công bố phát hiện của họ trên tạp chí Cell vào ngày 25.9.
“Có vẻ như người dân Xiaohe đã tích cực tiếp thu cách chăn nuôi từ nền văn hóa thảo nguyên và sản phẩm sữa lên men có liên quan. Pho mát kefir đã trở thành một phần quan trọng của nền văn hóa Xiaohe và sau đó lan rộng hơn nữa vào vùng Đông Á nội địa”, nhóm nghiên cứu cho biết.
Kefir là một loại đồ uống lên men được làm từ sữa và hạt kefir, có độ đặc loãng hơn đồ uống sữa chua. Sau đó, người ta sẽ làm ráo nước để thu về một loại phô mai mềm. Theo bài báo, ba mẫu sữa được phân tích trong nghiên cứu này được xác định là phô mai kefir vì có dồi dào protein từ sữa động vật nhai lại, vi khuẩn axit lactic và nấm men trong các mẫu.
Lưu vực Tarim, một sa mạc cằn cỗi ở khu tự trị Tân Cương, là nơi lưu giữ những xác ướp thời đại đồ đồng có niên đại khoảng 3.300 – 3.600 năm trước.
Các nhà khoa học cho biết quá trình sản xuất pho mát làm giảm đáng kể hàm lượng lactose, giúp người dân Xiaohe – những người không dung nạp lactose do di truyền – có thể tiêu thụ được sữa. Bên cạnh đó, việc làm pho mát kefir có thể là một biện pháp không chỉ kéo dài thời hạn sử dụng của sữa thô mà còn làm dịu chứng rối loạn tiêu hóa do đường lactose gây ra.
Hé lộ gương mặt xác ướp thiếu nữ bị hiến tế thời đế quốc Inca
Tác giả của nghiên cứu Fu Qiaomei nhận định khám phá này cũng ủng hộ ý tưởng rằng “văn hóa kefir” đã tồn tại ở vùng Tân Cương từ thời đại đồ đồng, thách thức niềm tin lâu đời rằng thức uống sữa lên men này chỉ có nguồn gốc từ vùng Bắc Kavkaz (Nga). Đây cũng là một nghiên cứu chưa từng có, cho phép mọi người quan sát cách vi khuẩn tiến hóa trong 3.000 năm qua.
Ông Fu cho rằng: “Bằng cách nghiên cứu các sản phẩm từ sữa, chúng tôi đã có được bức tranh rõ nét hơn về cuộc sống của con người thời cổ đại và sự tương tác của họ với thế giới”.
Nguồn: https://thanhnien.vn/trung-quoc-phat-hien-pho-mat-lau-doi-nhat-the-gioi-duoc-chon-cung-xac-uop-185240926102253629.htm