Một nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phân tích các dữ liệu khoa học từ camera đa phổ của xe tự hành Zhurong trên Sao Hỏa, và tìm thấy bằng chứng về đá trầm tích biển trên bề mặt Hành tinh Đỏ.
Bức ảnh do CNSA công bố ngày 11 tháng 6 năm 2021 cho thấy ảnh tự chụp của tàu thám hiểm Zhurong trên Sao Hỏa. Nguồn: Tân hoa xã |
Theo Tân Hoa xã, trường Đại học Địa chất Trung Quốc ở Vũ Hán cho biết các nhà nghiên cứu tại đại học này đã phát hiện bằng chứng trực tiếp chứng minh sự tồn tại của một đại dương cổ xưa ở đồng bằng phía Bắc Sao Hỏa,
Các nghiên cứu trước đây đã tìm thấy bằng chứng một lượng lớn chất lỏng trên Sao Hỏa thời kỳ sơ khai, tuy nhiên tính xác thực của các nghiên cứu này vẫn gây tranh cãi do thiếu phân tích tại chỗ.
Một nhóm nghiên cứu, do Giáo sư Xiao Long thuộc Đại học địa chất Trung Quốc đứng đầu, đã phân tích các dữ liệu khoa học từ camera đa phổ của xe tự hành Zhurong (Chúc Dung) trên Sao Hỏa, theo đó lần đầu tiên tìm thấy bằng chứng về đá trầm tích biển trên bề mặt Sao Hỏa.
Giáo sư Xiao cho biết: “Khi chúng tôi nghiên cứu những hình ảnh từ camera gắn trên xe tự hành, chúng tôi phát hiện cấu trúc xếp lớp của đá lộ thiên khác đáng kể so với đá núi lửa phổ biến trên bề mặt Sao Hỏa cũng như cấu trúc xếp lớp hình thành từ cát qua quá trình trầm tích gió.”
Ông cho biết thêm rằng các đặc tính dòng hai chiều theo kiến thức về xếp lớp nói trên phù hợp với những dòng thủy triều năng lượng thấp ở môi trường đại dương nông gần bờ trên Trái Đất.
Kết quả nghiên cứu chứng minh trực tiếp sự tồn tại của một đại dương cổ xưa trên Sao Hỏa.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí National Science Review.
(Theo https://www.vietnamplus.vn/trung-quoc-phat-hien-bang-chung-ve-dai-duong-co-dai-tren-sao-hoa/863490.vnp)
.