Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc (CSSC) và tập đoàn vận tải biển CMA CGM của Pháp vừa ký một đơn đặt hàng đóng 16 tàu container trị giá tổng cộng 21 tỷ Nhân dân tệ (3,06 tỷ USD) tại Bắc Kinh.
Thỏa thuận được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Thỏa thuận này đã lập kỷ lục về đơn đặt hàng lớn nhất liên quan đến ngành đóng tàu Trung Quốc, theo Công ty TNHH Thương mại Đóng tàu Trung Quốc (CSTC) thuộc Tập đoàn CSSC.
Đơn đặt hàng tàu bao gồm đóng 12 tàu container chạy bằng metanol nhiên liệu kép, có thể chở 15.000 đơn vị tương đương hai mươi feet (TEU) và 4 tàu container chạy bằng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhiên liệu kép, có thể chở 23.000 TEU.
Các tàu container chạy bằng metanol, dài 366 m và rộng 51 m, có thể vận chuyển 156.000 tấn hàng hóa. Theo CSTC, những con tàu này sẽ được đóng bởi hai chi nhánh phụ của CSSC ở thành phố Thượng Hải, miền Đông Trung Quốc, và thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, miền Đông Bắc đất nước.
Các tàu chạy bằng LNG, mỗi chiếc có chiều dài 399,9 m và rộng 61,3 m, có thể chở được 220.000 tấn hàng hóa.
Tập đoàn CMA CGM của Pháp đã đặt hàng hơn 70 tàu có giá trị gia tăng cao sử dụng nhiên liệu xanh từ CSSC trong 10 năm qua, bao gồm cả tàu container 23.000 TEU chạy bằng LNG đầu tiên trên thế giới, CSTC cho biết.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Macron, Pháp và Trung Quốc cũng đã ký một số thỏa thuận kinh tế liên quan đến các công ty lớn trong các lĩnh vực như giao thông, năng lượng, nông nghiệp, văn hóa và khoa học.
Một trong những thỏa thuận lớn nhất đã được ký kết với Trung Quốc là thỏa thuận sẽ giúp tạo ra một dây chuyền lắp ráp mới tại nhà máy ở Thiên Tân của “gã khổng lồ” sản xuất máy bay Airbus của Pháp, từ đó công ty có thể tăng gấp đôi năng lực sản xuất các mẫu máy bay A320. Dây chuyền mới dự kiến sẽ đi vào hoạt động hoàn toàn vào năm 2025.
Công ty năng lượng Pháp EDF cũng gia hạn thỏa thuận với nhà lãnh đạo hạt nhân Trung Quốc CGN – ký năm 2007 – cho phép xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, công ty quản lý nước và chất thải Suez của Pháp đã giành được hợp đồng cho một dự án khử mặn nước biển.
L’Oréal, công ty mỹ phẩm hàng đầu thế giới, cũng đã đạt được thỏa thuận hợp tác 3 năm với công ty thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba về chủ đề “tiêu dùng bền vững”.
Đồng thời, Tổng thống Pháp Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nhất trí về các vấn đề văn hóa.
Theo một trong những thỏa thuận được ký kết, Bảo tàng Cung điện ở Tử Cấm Thành, Bắc Kinh sẽ tổ chức một cuộc triển lãm mang tên “Cung điện Versailles và Tử Cấm Thành, tương tác giữa Pháp và Trung Quốc trong Thế kỷ 18”, với sự hợp tác của Cung điện Versailles. Triển lãm này ban đầu được lên kế hoạch vào năm 2020 nhưng đã bị hoãn lại do đại dịch.
Hai nước cũng bày tỏ mong muốn tạo điều kiện thuận lợi để xin thị thực cho việc di chuyển của sinh viên và giáo viên làm việc trong lĩnh vực khoa học.
Minh Đức (Theo CGTN, Euractiv)