Ngày 18/5, Đặc phái viên Trung Quốc đã lần đầu lên tiếng sau khi ông đến Kiev và gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Đặc phái viên Trung Quốc về vấn đề Á-Âu Lý Huy. (Nguồn: APA) |
Trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời Đặc phái viên của nước này về vấn đề Á-Âu Lý Huy tuyên bố, mọi người nên tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán hòa bình.
Ông Lý Huy nêu rõ: “Không có thuốc chữa bách bệnh để giải quyết khủng hoảng Ukraine, tất cả các bên cần xây dựng lòng tin và tạo điều kiện cho hòa đàm”.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi ông có các cuộc gặp với Tổng thống Zelensky, Ngoại trưởng Dmytro Kuleba, Chánh văn phòng Tổng thống Andriy Yermak và các quan chức khác thuộc chính quyền Ukraine trong chuyến thăm hai ngày 16-17/5 đến quốc gia Đông Âu.
Theo quan chức Trung Quốc, Bắc Kinh sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng quốc tế để giải quyết khủng hoảng, dựa trên lập trường của Trung Quốc nêu rõ trong sáng kiến hòa bình 12 điểm, và thực hiện các nỗ lực riêng để sớm chấm dứt hành động thù địch và khôi phục hòa bình.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng ra thông cáo cho biết, nước này và Ukraine nhất trí cần hợp tác để tiếp tục tôn trọng lẫn nhau và duy trì sự hợp tác cùng có lợi của hai nước tiến về phía trước.
Thông cáo nêu rõ: “Bắc Kinh luôn đóng vai trò xây dựng trong việc giảm thiểu tình hình nhân đạo ở Ukraine theo cách riêng của mình và sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ cho Ukraine trong khả năng cho phép”.
Cùng ngày, phát biểu về xung đột Nga-Ukraine trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL), Ngoại trưởng Iraq Fuad Hussein cho biết: “Chúng tôi tin rằng cả hai bên cần đạt được thỏa thuận ngừng bắn và nếu có bất kỳ đề nghị nào từ một trong hai phía, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ”.
Theo ông, xung đột ở Ukraine đã tác động đến tình hình trong ngành năng lượng và thực phẩm toàn cầu, “vì vậy, trách nhiệm của chúng tôi là cố gắng để các bên đạt được một lệnh ngừng bắn”.
Đề cập sáng kiến hòa giải của AL nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine, ông Hussein nói rằng, đề xuất này “không mới”.
AL đã thành lập Nhóm Tiếp xúc hồi tháng 3/2022, gồm các ngoại trưởng của Ai Cập, Algeria, Iraq, Jordan, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Sudan cùng Tổng thư ký AL và cử nhóm này tới Moscow và Kiev vào cùng năm.
Trong một diễn biến khác, cũng trong ngày 18/5, theo ông Igor Zhovkva, Phó Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, không loại trừ khả năng ông Zelensky có thể trực tiếp tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại thành phố Hiroshima của Nhật Bản.
Trả lời hãng tin Kyodo, ông Zhovkva nói: “Mọi việc sẽ phụ thuộc vào tình hình thực địa. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra sau khi phân tích cẩn trọng tình hình trên chiến trường”.
Quan chức này cũng nhấn mạnh rằng, ông Zelensky sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh theo một số hình thức trong mọi trường hợp.
Trong khi đó, các nguồn tin của Kyodo trong chính phủ Nhật Bản đã loại trừ khả năng Tổng thống Ukraine trực tiếp tới Hiroshima.