TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Phi đang mở rộng sang lĩnh vực thực thi pháp luật trong bối cảnh Bắc Kinh tìm cách bảo vệ công dân của mình ở nước ngoài hoặc bắt giữ những kẻ bị truy nã.
Tuyến đường sắt Mombasa – Nairobi được lực lượng cảnh sát tinh nhuệ Kenya – Trung Quốc bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: SCMP
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong mới đây dẫn báo cáo của Paul Nantulya, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược châu Phi thuộc Đại học Quốc phòng Washington (Mỹ) cho biết, từ Nam Phi cho đến các quốc gia Bắc Phi như Algeria, Tunisia hay Ai Cập, Trung Quốc đã ký các thỏa thuận về an ninh công cộng và thực thi pháp luật với khoảng 40 quốc gia tại lục địa đen.
Đặc biệt, Bộ Công an Ethiopia và Trung Quốc đã ký một khuôn khổ hợp tác nhằm bảo vệ các dự án lớn do Trung Quốc hỗ trợ ở Ethiopia, chẳng hạn như tuyến đường sắt nối thủ đô Addis Ababa và Djibouti. Còn ở nước láng giềng Kenya, Nairobi “bắt tay” với Bắc Kinh để thành lập lực lượng cảnh sát tinh nhuệ để bảo vệ tuyến đường sắt nối thành phố Mombasa với thủ đô Nairobi. Riêng tại Uganda, thỏa thuận an ninh giữa Bắc Kinh và Kampala dẫn đến việc hơn 30 biệt kích Trung Quốc cùng lực lượng đặc nhiệm Uganda hồi tháng 1 năm ngoái triển khai hoạt động bắt giữ và trục xuất 4 công dân Trung Quốc bị cho là thành viên của một băng nhóm tội phạm. Ngoài ra, Angola, Mozambique, Lesotho, Nam Phi, Zambia, Zimbabwe, Mauritius, Seychelles, Madagascar và Tanzania cũng nằm trong danh sách dài các quốc gia châu Phi đang hợp tác với Trung Quốc trong việc thực thi pháp luật.
Trong bối cảnh Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng sang các nước châu Phi và tài trợ cho các dự án lớn thuộc sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)”, công dân Trung Quốc ngày càng trở thành mục tiêu tấn công. Mới đây nhất, 9 công nhân Trung Quốc hồi tháng 3 đã thiệt mạng tại một công trường khai thác vàng ở Cộng hòa Trung Phi. Không những vậy, công dân Trung Quốc còn được cảnh báo về nguy cơ bị bắt cóc và tấn công ngày càng tăng ở Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) và Nigeria. Tình hình an ninh ở DRC tồi tệ đến nỗi Bộ Công an Trung Quốc hồi năm ngoái phải cử một nhóm chuyên gia đến đây. Bắc Kinh cho hay cũng sẽ cử các nhà điều tra hình sự đến Nigeria sau khi các vụ bắt cóc công dân Trung Quốc ở nước này gia tăng.
Theo chuyên gia Nantulya, hợp tác an ninh giữa Trung Quốc và các quốc gia châu Phi cũng đang phát triển. Trong giai đoạn 2018-2021, hơn 2.000 cảnh sát và nhân viên thực thi pháp luật châu Phi đã được huấn luyện tại Trung Quốc. Trung Quốc còn xây dựng các trường huấn luyện và đồn cảnh sát, đồng thời cung cấp thiết bị cho cảnh sát nhiều nơi ở châu Phi. Trong giai đoạn 2003-2017, các quốc gia châu Phi đã vay 3,6 tỉ USD của Trung Quốc dành cho an ninh công cộng. Số tiền này được dùng để mua hệ thống giám sát, cải thiện mạng lưới an ninh quốc gia cũng như mua các thiết bị an ninh khác, chẳng hạn như thiết bị chống bạo động.
Cũng theo ông Nantulya, Nigeria, Lesotho, Mauritius và ít nhất 20 quốc gia khác có quan hệ với Trường Cao đẳng Cảnh sát Đặc nhiệm Trung Quốc, nơi chuyên tiến hành huấn luyện hoạt động chống khủng bố. Nhờ đó, một số khóa huấn luyện được thực hiện ở châu Phi, ví dụ như chương trình huấn luyện chung giữa Bộ Nội vụ Algeria và Học viện Quản trị Trung Quốc. Trong giai đoạn 2015-2018, hơn 400 cảnh sát, nhân viên thực thi pháp luật và công chức đã tốt nghiệp chương trình đó.
Mặt khác, Trung Quốc đang tìm kiếm nhiều trao đổi và hợp tác hơn với các học viện quân sự và cảnh sát như một phần của Sáng kiến an ninh toàn cầu (GSI), trong đó đề cao tầm nhìn về an ninh chung, toàn diện và bền vững, theo đuổi mục tiêu dài hạn là xây dựng một cộng đồng an ninh. Theo GSI, Trung Quốc sẵn sàng cung cấp cho các nước đang phát triển 5.000 cơ hội huấn luyện trong vòng 5 năm tới để đào tạo ra các chuyên gia giải quyết các vấn đề an ninh toàn cầu.