Không chỉ mang tính đe dọa
Giống như luật Hải cảnh Trung Quốc năm 2021, quy định lần này mang lại cho CCG quyền hạn rộng rãi để can thiệp vào các hoạt động hợp pháp của các nước láng giềng. Tuy nhiên, quy định mới này cho phép CCG có thể bắt giữ ngư dân nước ngoài và giam giữ họ tới 60 ngày mà không cần xét xử. Mức độ chi tiết đó có thể cho thấy rằng Bắc Kinh thực sự có ý định thực hiện điều này, không giống như luật năm 2021 mang tính đe dọa nhiều hơn.
Ông Gregory Poling
(Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á – Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ)
Thông điệp của Bắc Kinh
Đó là cách Trung Quốc muốn thể hiện quyền tài phán ở Biển Đông. Để củng cố yêu sách ở cấp độ quốc tế, Trung Quốc củng cố luật pháp trong nước về Biển Đông. Thời điểm thực hiện điều này cho thấy Trung Quốc sẽ không lùi bước ngay cả khi Philippines tăng cường quan hệ chiến lược với Mỹ và các quốc gia có cùng quan điểm khác như Nhật Bản.
PGS Kei Koga
(Chương trình các vấn đề toàn cầu và chính sách công,
Trường Khoa học xã hội, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore)
Chiêu trò mới
Đây là một chiêu trò mới của Trung Quốc sau một chuỗi các động thái trong thời gian qua: Hợp nhất nhiều lực lượng để Thống nhất các cơ quan khác nhau thành CCG, thông qua luật cho phép CCG sử dụng vũ lực, bàn giao các tàu hộ tống cũ của hải quân Trung Quốc cho CCG, biên chế tàu đổ bộ cho CCG, nhân rộng các chiến thuật vùng xám và chiến tranh lai của CCG
Về lý thuyết, Trung Quốc đang có tàu quân sự nhiều nhất trên thế giới. Nhưng để thực hiện các chuyến đi biển xa thì có giới hạn. Trung Quốc lại phân tán số tàu ra rất nhiều nơi: Bột Hải, biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan, Biển Đông, căn cứ hải quân Ream (Campuchia), căn cứ hải quân Djibouti… Vì thế, Trung Quốc đang tăng cường quân sự hóa CCG và phát triển lực lượng dân quân biển.
Chuyên gia Benjamin Blandin
(chuyên về địa chính trị, Đại học Công giáo Paris, Pháp)
Hành động bất hợp pháp
Nếu CCG bắt giữ người nước ngoài ở Biển Đông thì đó là hành động bất hợp pháp. Nhưng Trung Quốc vẫn cho phép là nhằm tìm cách khẳng định chủ quyền của mình đối với các khu vực rộng lớn ở Biển Đông. Bằng cách cho phép bắt giữ, Trung Quốc đang báo hiệu ý định thực thi các yêu sách của mình một cách mạnh mẽ hơn.
Với tầm quan trọng chiến lược của tuyến hàng hải qua Biển Đông, Trung Quốc có thể muốn kiểm soát hoặc giám sát các hoạt động ở vùng biển này. Thời gian qua, Trung Quốc sử dụng dân quân biển là một cách để tăng cường ảnh hưởng trong khu vực. Xu hướng này sẽ tiếp tục khi Trung Quốc cố gắng tăng cường ảnh hưởng trong khu vực.
GS-TS Prakash Panneerselvam
(Chương trình Nghiên cứu an ninh và chiến lược quốc tế, Viện Nghiên cứu tiên tiến quốc gia Ấn Độ)
Ngụy tạo hồ sơ hành chính
Việc Trung Quốc cho phép CCG được bắt giữ người nước ngoài trên biển như ở Biển Đông là một minh chứng cho thấy Bắc Kinh đang dùng luật pháp trong nước đối với khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền ngay cả khi đó là tuyên bố chủ quyền phi pháp.
Khi tiến hành một vụ bắt giữ như vậy, Trung Quốc tự tạo ra một bộ hồ sơ hành chính để tự hình thành nên một cơ sở dữ liệu để hợp pháp hóa việc thực thi luật pháp (dù phi pháp) trong khu vực. Qua đó, Bắc Kinh tự mở rộng quyền kiểm soát mà không cần sử dụng vũ lực. Các bên liên quan khác cần tìm cách giảm thiểu chiến lược vừa nêu của Trung Quốc. Các cường quốc khu vực cần hỗ trợ các bên khác tăng cường khả năng nhận thức về hàng hải nhằm duy trì quyền tự chủ.
GS Stephen Robert Nagy
(Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật)
Có thể dùng để bắt giữ ngư dân
Cách đây chưa lâu, Trung Quốc cho phép CCG nổ súng vào tàu nước ngoài. Nhưng đây là hành động khó xảy ra vì dễ làm gia tăng căng thẳng vượt ra ngoài vùng xám, nơi Trung Quốc đang tỏ ra rất linh hoạt về mặt chiến thuật. Lần này, với thay đổi mới thì CCG trước mắt có thể bắt giữ ngư dân Philippines trong vùng biển tranh chấp nhằm đe dọa chính phủ của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr.
Việc đàm phán nhằm đưa ra Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) là nhằm kiểm soát các hành vi như xử lý tàu và thủy thủ đoàn nước ngoài trong vùng biển tranh chấp. Nhưng cũng cần lưu ý là đầu thập niên 1990, Nhật Bản và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận để thực thi luật đánh cá đối với các tàu treo cờ của nhau ở vùng chủ quyền chống lấn trên biển Hoa Đông. Tuy vậy, bất chấp thỏa thuận vừa nêu, các tàu của CCG vẫn tiến vào vùng lãnh hải xung quanh quần đảo hai bên tranh chấp.
GS Yoichiro Sato
(chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản)
Nguồn: https://thanhnien.vn/trung-quoc-lai-them-chieu-tro-de-kiem-soat-bien-dong-185240524230911162.htm