Trung Quốc sẵn sàng mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nông sản chất lượng cao của Việt Nam, khuyến khích doanh nghiệp có thực lực của Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam; tăng cường kết nối hạ tầng, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất; nâng cao chất lượng hợp tác kinh tế trong các lĩnh vực công nghệ cao, kinh tế số.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Hải Nguyễn
Ngày 13.12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, theo Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Phu nhân lần này thể hiện sự coi trọng của Đảng, nhà nước Trung Quốc đối với Việt Nam, quan hệ Việt – Trung và truyền thống tốt đẹp thường xuyên đi lại thăm lẫn nhau giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đánh giá cao những đóng góp cụ thể, thiết thực của Thủ tướng Phạm Minh Chính đối với thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ cùng Quốc vụ viện Trung Quốc tăng cường phối hợp, đôn đốc các cấp, các ngành, các địa phương cụ thể hóa những thành quả và nhận thức chung cấp cao.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình nhấn mạnh sẽ chỉ đạo Quốc Vụ viện Trung Quốc phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, sớm đưa các nhận thức chung quan trọng đạt được trong chuyến thăm lần này vào thực tế cuộc sống.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Hải Nguyễn
Điểm lại những tiến triển quan trọng, thành quả hợp tác thực chất giữa hai nước trong thời gian gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 6 phương hướng trọng tâm hợp tác bao gồm:
Một là tăng cường trao đổi chiến lược, giao lưu mật thiết ở cấp cao và các cấp.
Hai là phát huy tốt hơn nữa vai trò quan trọng của trụ cột hợp tác quốc phòng – an ninh.
Ba là nâng cao hiệu quả hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, đề nghị Trung Quốc tiếp tục mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nông thủy sản của Việt Nam, triển khai thuận lợi cửa khẩu thông minh;
Đẩy mạnh hơn nữa đầu tư tại Việt Nam, nhất là sớm có các dự án lớn, tiêu biểu trong các lĩnh vực Trung Quốc có thế mạnh về công nghệ cao, chuyển đổi xanh; tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng chiến lược, kết nối hạ tầng giao thông, kết nối cửa khẩu;
Đề nghị sớm thành lập tổ công tác giải quyết dứt điểm các vướng mắc tại một số dự án tồn đọng kéo dài; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án viện trợ không hoàn lại, mở rộng hợp tác về tài chính tiền tệ, góp phần thúc đẩy đầu tư và tiện lợi hóa hoạt động giao thương; nghiên cứu thành lập nhóm công tác về thúc đẩy khôi phục du lịch giữa hai nước.
Bốn là tăng cường giao lưu địa phương, nhân dân.
Năm là tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương.
Sáu là đề nghị hai bên kiểm soát tốt bất đồng và xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển trên tinh thần hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đề xuất Việt Nam – Trung Quốc tăng cường kết nối hạ tầng, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất. Ảnh: Hải Nguyễn
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đề nghị, hai bên đẩy nhanh kết nối chiến lược, triển khai hiệu quả Kế hoạch hợp tác kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường”, tăng cường hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước; đánh giá cao những thành quả hợp tác trong thời gian qua.
Về phương hướng hợp tác trong thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất một số trọng tâm:
Một là, cùng nhau hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi kinh tế – thương mại, trong đó có thương mại nông sản; Trung Quốc sẵn sàng mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nông sản chất lượng cao của Việt Nam, khuyến khích doanh nghiệp có thực lực của Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam;
Tăng cường kết nối hạ tầng, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất; nâng cao chất lượng hợp tác kinh tế trong các lĩnh vực công nghệ cao, kinh tế số.
Hai là, tăng cường hợp tác duy trì an ninh, ổn định trật tự xã hội; mở rộng giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân nhằm tăng cường sự hiểu biết, gần gũi giữa nhân dân hai nước.
Ba là, tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương, cùng nhau thúc đẩy xây dựng trật tự quốc tế công bằng, cởi mở.
Bốn là, thực hiện nghiêm các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao, kiểm soát và xử lý thỏa đáng bất đồng, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên thế giới.
Laodong.vn