Tàu Nga đang bị trừng phạt cập cảng Trung Quốc, Israel đổ thêm dầu vào lửa, muốn xây thêm 3.500 ngôi nhà ở Bờ Tây, Thủ tướng Malaysia cảnh báo không nên kiềm chế Trung Quốc… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Một tàu chống ngầm của Hải quân Nga chuẩn bị cập cảng. (Nguồn: Arab News) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
*Ukraine chuyển giai đoạn chiến tranh mới với Nga: Theo Wall Street Journal (WSJ), Ukraine đang xây dựng các công sự phòng thủ và thay đổi chiến thuật ở Biển Đen để chuyển sang một giai đoạn chiến tranh mới với Nga.
Theo WSJ, Bộ chỉ huy Ukraine cũng đã thay đổi đáng kể chiến thuật tác chiến ở Biển Đen, tích cực sử dụng việc phóng hàng loạt xuồng không người lái (USV). Các Lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU) đã bắt đầu sử dụng xuồng không người lái theo chiến thuật “bầy đàn”, làm tăng đáng kể mối đe dọa đối với hải quân Nga.
Việc VSU không ngừng cải tiến phương thức tấn công, sử dụng các USV với nhiều kích cỡ khác nhau với quy mô và có tổ chức hơn, đã đặt ra thách thức nghiêm trọng cho Hải quân Nga. (WSJ)
*Cuộc chiến tại Ukraine có thể kéo dài thêm ít nhất 2 năm: Cơ quan tình báo Lithuania ngày 7/3 nhận định các yếu tố như giá dầu tăng cao, lách trừng phạt và đầu tư nhà nước đang mang đến cho Nga các nguồn lực đủ để tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine với cường độ hiện tại trong ít nhất 2 năm nữa.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Serrgey Shoigu hôm 5/3 cũng cho biết, Nga đã tăng cường các lực lượng quân sự ở Bắc và Đông Nga nhằm đáp trả việc tăng cường các lực lượng NATO ở biên giới với Nga.
Tình báo Lithuania còn cho biết, kể từ khi triển khai đầu đạn quân sự ở Belarus năm 2023, Nga đã không ngừng xây dựng cơ sở hạ tầng để sử dụng ở quốc gia đồng minh này. (Politicol Europe)
*Công dân Ấn Độ đầu tiên chiến đấu cho quân đội Nga thiệt mạng: Đại sứ quán Ấn Độ tại Moscow ngày 6/3 xác nhận Mohammed Afsan, một công dân Ấn Độ được quân đội Nga tuyển dụng để cử đi chiến đấu ở Ukraine đã thiệt mạng.
Truyền thông địa phương dẫn lời người thân và một binh sĩ Ấn Độ khác ở tiền tuyến cho biết thanh niên 23 tuổi đến từ bang Gujarat đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Ukraine khi đang làm “người trợ giúp an ninh”.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng cho biết đang nỗ lực giải cứu khoảng 20 công dân Ấn Độ “mắc kẹt” trong quân đội Nga. Một số tân binh Ấn Độ nói rằng họ bị dụ dỗ gia nhập quân đội bởi những lời hứa hẹn về mức lương cao và hộ chiếu Nga trước khi được đưa ra tiền tuyến. (Reuters)
Châu Á – Thái Bình Dương
*Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi chuẩn bị cho xung đột quân sự trên biển: Ngày 7/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các lực lượng vũ trang nước này phối hợp chuẩn bị cho các cuộc xung đột quân sự trên biển, bảo vệ quyền và lợi ích biển của Trung Quốc và sự phát triển của kinh tế hàng hải.
Truyền hình nhà nước Trung Quốc dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình đồng thời nhấn mạnh nước này cần xây dựng hệ thống phòng thủ không gian mạng và nâng cao khả năng duy trì an ninh mạng quốc gia.
Tuyên bố được ông Tập đưa ra khi ông gặp một đoàn đại biểu Quân Giải phóng Nhân dân và Lực lượng Cảnh sát vũ trang tại cuộc họp thường niên của quốc hội Trung Quốc. (Reuters)
*Thủ tướng Malaysia cảnh báo không nên kiềm chế Trung Quốc: Ngày 7/3, trong bài phát biểu tại trường Đại học Quốc gia Australia ở thủ đô Canberra nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN- Australia, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho rằng những nỗ lực nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc chỉ càng chọc giận nước này và gieo rắc bất hòa trong khu vực.
Cũng trong bài phát biểu, ông Anwar tuyên bố Malaysia và Australia có nghĩa vụ khuyến khích Trung Quốc, Mỹ và các nước lớn khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương hành xử theo cách có lợi cho hoạt động hợp tác và hội nhập kinh tế. (AFP)
*Hải quân Nga diễn tập trên biển Nhật Bản: Tàu hộ tống “Gromky” và “Perfect” thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã tiến hành bắn đạn thật trên biển Nhật Bản vào các mục tiêu mô phỏng tàu chiến đối phương.
Cơ quan báo chí của Hạm đội thông báo, hai con tàu trên đã thực hiện diễn tập chiến thuật trong các đội hình khác nhau và thực hiện tất cả các hình thức phòng thủ và bảo vệ phân đội tàu vượt biển.
Hạm đội Thái Bình Dương cho biết hỏa lực được bắn từ bệ pháo hải quân đa năng A-190. Đội xạ thủ trên tàu cũng dùng súng máy tiêu chuẩn thực hành bắn mìn nổi của đối phương giả định. (Yonhap)
*Mỹ cần có “cái nhìn khách quan” về Trung Quốc: Ngày 7/3, trả lời họp báo bên lề Kỳ họp Quốc hội Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng Mỹ cần có “cái nhìn khách quan và hợp lý” về Trung Quốc, đồng thời nói thêm rằng Bắc Kinh coi việc chung sống hòa bình với Washington là một nguyên tắc, đồng thời cảnh báo nước này “cuối cùng sẽ tự làm hại mình” nếu bị ám ảnh bởi việc đàn áp Trung Quốc.
Về vấn đề ở Biển Đông, Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố những khác biệt cần được “xử lý và giải quyết thỏa đáng thông qua đối thoại” giữa các bên liên quan trực tiếp và khuyên các quốc gia ngoài khu vực “không nên gây rắc rối”.
Bình luận của ông Vương Nghị được đưa ra sau cuộc đụng độ mới nhất giữa tàu Trung Quốc và Philippines ở vùng biển tranh chấp hồi đầu tuần.
Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác chiến lược với Nga, với Liên minh châu Âu (EU), cho rằng “quyền tự chủ” là một giá trị quan trọng, nhằm ngăn chặn nguy cơ trở thành một phần của khối do Mỹ đứng đầu. (Kyodo)
*Tàu chở dầu Nga đang bị trừng phạt cập cảng Trung Quốc: Tàu chở dầu của Nga Liteyny Prospect đang bị trừng phạt đã cập cảng Hoàng Hoa, gần thành phố Thương Châu thuộc tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc, để dỡ lô hàng 700 nghìn thùng dầu thô Sokol của Nga.
Dữ liệu hàng hải từ các công ty phân tích LSEG, Kpler và Vortexa cho thấy hôm 6/3 tàu Liteyny Prospect mang cờ Liberia đã cập cảng Hoàng Hoa, một cảng miền Bắc Trung Quốc xử lí chủ yếu các chuyến hàng than đá và quặng sắt.
Chủ của con tàu trên là công ty vận tải biển lớn nhất của Nga, Sovcomflot, không đưa ra bình luận gì về thông tin trên. (Reuters)
Châu Âu
*Nga triệu Đại sứ Mỹ vì “can thiệp” công việc nội bộ: Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố ngày 7/3 cơ quan này đã triệu Đại sứ Mỹ tới để phản đối “hành vi can thiệp của Washington vào công việc nội bộ”, cũng như “tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ (NGO) bài Nga”.
Trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: “Ý đồ can thiệp vào công việc nội bộ của Liên bang Nga, bao gồm thông qua các hành động lật đổ và truyền bá thông tin sai lệch trong bối cảnh bầu cử và chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ bị ngăn chặn một cách kiên quyết và dứt khoát”.
Bộ Ngoại giao Nga đã trao công hàm phản đối cho Đại sứ Mỹ, qua đó yêu cầu ngừng hỗ trợ các NGO của Mỹ (gồm Hội đồng Giáo dục Quốc tế Mỹ, Quan điểm Văn hóa và Viện Giáo dục Quốc tế Mỹ), và nếu vẫn tiếp tục thì Moscow sẽ coi đó là hành động vi phạm luật pháp Nga. Bộ Ngoại giao Nga cũng yêu cầu Đại sứ quán Mỹ xóa khỏi trang web và phương tiện truyền thông xã hội danh sách các NGO không mong muốn.(AFP/Sputniknews)
*Doanh nghiệp Ukraine bắt đầu rút khỏi Ba Lan: Báo Gazeta Wyborcza đưa tin nhiều doanh nghiệp Ukraine bắt đầu đóng cửa ở Ba Lan do mất khả năng thanh toán tài chính và thiếu triển vọng.
Theo Viện Kinh tế Ba Lan, vào năm 2022, người Ukraine đã mở 15.900 công ty mới ở Ba Lan và 28.600 công ty mới năm 2023. Trong số các lĩnh vực dẫn đầu là xây dựng và sửa chữa, công nghệ thông tin và truyền thông, dịch vụ, hoạt động thương mại và công nghiệp và hậu cần.
Theo báo trên, người Ukraine bước vào những lĩnh vực mà theo quan điểm của họ, họ có trình độ chuyên môn và có thể cung cấp dịch vụ chất lượng. Bài báo cho biết, kinh doanh ở Ba Lan vô cùng khó khăn vì nó đòi hỏi phải liên tục tuân thủ các yêu cầu và qui định mới. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Xung đột tại Ukraine: Nổ gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, IAEA kêu gọi ‘kiềm chế quân sự tối đa’, báo Mỹ nói Hungary ngăn EU làm điều này |
*Thụy Điển sẽ là trung tâm hậu cần và chuyển quân của NATO: Báo Financial Times (FT) của Anh ngày 6/3 đưa tin Thụy Điển, với tư cách thành viên Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), có thể trở thành một trung tâm hậu cần, đồng thời là điểm chuyển quân của NATO.
Theo FT, tư cách thành viên của Thụy Điển trong liên minh mang lại những cơ hội mới trong việc cung cấp và tiếp viện bằng đường biển. Điều này là do NATO sẽ có đảo Gotland, nằm giữa Biển Baltic, để có thể sử dụng. Đảo có thể được các nước thành viên của liên minh sử dụng làm trung tâm vận tải. Theo tác giả bài báo, điều này sẽ tăng cường khả năng phòng thủ cho Estonia, Latvia và Lithuania.
Trước đó, tân Tổng thống Hungary, Tamas Szuyok, đã ký thành luật việc phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển trong NATO. Trong khi đó, TV4 đưa tin Thụy Điển có thể sẽ chính thức gia nhập liên minh vào ngày 11/3. (FT)
*Nga tiêu diệt một nghi phạm khủng bố người Belarus: Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) ngày 7/3 thông báo đã tiêu diệt một người đàn ông Belarus đang lên kế hoạch về “một hành động khủng bố” nhân danh Ukraine tại vùng Karelia ở miền Bắc nước Nga.
FSB, cơ quan kế thừa chính của KGB thời Xô viết, xác nhận đã thu giữ được vũ khí và thiết bị nổ tự tạo (IED) sau vụ đấu súng với nghi phạm. Theo FSB, đối tượng có âm mưu cho nổ tung một tòa nhà hành chính ở thành phố Olonets, cách biên giới với Phần Lan khoảng 250 km.
Cơ quan này cho biết trong quá trình bắt giữ, nghi phạm đã nổ súng vào các sĩ quan đặc nhiệm và đã bị tiêu diệt sau cuộc đụng độ.
Theo FSB, vũ khí IED thu giữ được đã được chế tạo bằng cách sử dụng một loại chất nổ nhựa sản xuất ở Anh và có ngòi nổ do Mỹ sản xuất. Còn theo truyền thông Nga, kẻ bị tiêu diệt là Nikolai Alekseev, 49 tuổi, đến từ Belarus và đã từng tham gia các cuộc biểu tình của phe đối lập tại quốc gia đồng minh láng giềng của Nga hồi năm 2020. (TASS)
Châu Phi-Trung Đông
*Nigeria muốn gia nhập BRICS: Trả lời phỏng vấn trong khuôn khổ chuyến thăm Nga mới đây, Ngoại trưởng Nigeria Yusuf Tuggar cho biết nước này dự định nộp đơn xin gia nhập BRICS sau khi tổ chức các cuộc họp cần thiết trong nước.
Ông Tuggar nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiện diện của Phó Tổng thống Nigeria Kashim Shettima tại Nam Phi trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh BRICS mới nhất được tổ chức vào tháng 8 năm ngoái.
Ngoài ra, đề cập khả năng Nigeria tham gia hệ thống thanh toán của Nga, ông Tuggar cho biết: “Đây là một hệ thống rất thú vị (hệ thống của Nga thay thế cho SWIFT).
Điều này không có nghĩa là SWIFT là một hệ thống tồi, nhưng nếu có những lựa chọn thay thế khác, Nigeria sẽ xem xét chúng… Và nếu hệ thống có lợi cho chúng tôi, chúng tôi chắc chắn sẽ áp dụng”. (Sputnik)
*Israel đổ thêm dầu vào lửa, xây thêm 3.500 ngôi nhà định cư ở Bờ Tây: Chính phủI Israel đang thúc đẩy kế hoạch xây dựng gần 3.500 ngôi nhà cho người định cư ở khu Bờ Tây bị chiếm đóng. Bộ trưởng phụ trách vấn đề định cư Orit Strock cho biết như trên trong một bài đăng trên mạng xã hội X ngày 6/3.
Cơ quan giám sát khu định cư Israel Peace Now cho biết ủy ban quy hoạch đã cấp phép xây dựng 3.426 ngôi nhà trên khắp Maale Adumim và Kedar, phía Đông Jerusalem và Efrat, phía Nam thành phố.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cảnh báo bất kỳ việc mở rộng khu định cư nào của Israel sẽ “phản tác dụng trong việc đạt được hòa bình lâu dài” với người Palestine.
Bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, trong những thập kỷ gần đây, Israel đã xây dựng hàng chục khu định cư trên khắp Bờ Tây. Nơi đây hiện là khu vực sinh sống của hơn 490.000 người Israel, cùng khoảng 3 triệu người Palestine. (Al Jazeera)
TIN LIÊN QUAN | |
Vụ vượt ngục gây ‘sốc’ và mối quan hệ với các băng đảng khét tiếng ở Haiti |
*Hơn 100 người mất tích sau vụ bắt cóc tại Nigeria: Ngày 7/3, giới chức địa phương tại Nigeria cho biết hơn 100 người mất tích sau khi các phần tử thánh chiến ở phía Đông Bắc nước này thực hiện vụ bắt cóc hàng loạt nhằm vào phụ nữ và trẻ em tại các trại di cư.
Ali Bukar, một sĩ quan tại Đơn vị Thông tin Chính quyền Địa phương Ngala, cho biết các gia đình đã xác nhận 113 người mất tích. Lãnh đạo lực lượng dân quân chống thánh chiến Shehu Mada cũng thông tin rằng phụ nữ từ các trại di dời đã bị “quân nổi dậy ISWAP vây bắt” hôm 1/3.
Người phát ngôn cảnh sát bang Borno Nahum Daso Kenneth cho biết vụ tấn công xảy ra vào khoảng 4 giờ chiều hôm 1/3, nhưng cảnh sát không thể đưa ra con số chính xác về số người bị bắt cóc.
Các nhà lãnh đạo dân quân chống thánh chiến đã nêu tên nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại khu vực Tây Phi (ISWAP) chịu trách nhiệm về vụ tấn công tuần trước ở bang Borno, trung tâm của cuộc nổi dậy thánh chiến khiến hơn 40.000 người thiệt mạng và hai triệu người phải di dời kể từ năm 2009. (Al Jazeera)
Châu Mỹ-Mỹ Latinh
*Nhiều nước phản đối lệnh trừng phạt của Mỹ chống Venezuela: Chính phủ Cuba, Nicaragua và Liên minh Bolivar cho các dân tộc châu Mỹ (ALBA-TCP) ngày 6/3 đồng loạt lên tiếng bác bỏ quyết định của Nhà Trắng về việc gia hạn các lệnh trừng phạt đối với Venezuela thêm một năm dựa trên Sắc lệnh hành pháp coi quốc gia Nam Mỹ này là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ.
Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodríguez Parrilla phản đối việc Washington duy trì các biện pháp cưỡng chế đơn phương chống Caracas và sử dụng “lý do vô căn cứ” là đe dọa an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của nước Mỹ.
Trong khi đó, Chính phủ Nicaragua ra tuyên bố lên án mạnh mẽ “chính sách can thiệp” của Mỹ chống lại các dân tộc trên thế giới, đặc biệt là Venezuela.
Cùng ngày, Thư ký điều hành của ALBA-TCP Jorge Arreaza khẳng định việc Mỹ gia hạn Sắc lệnh hành pháp năm 2015 chống lại Venezuela là hành vi tiếp tục vi phạm luật pháp quốc tế, không chỉ ảnh hưởng đến người dân Venezuela mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế và người dân trong khu vực. (AFP)
*Cộng đồng Caribe thất bại trong nỗ lực tìm giải pháp cho Haiti: Tổng thống Guyana Irfaan Ali, Chủ tịch luân phiên của Cộng đồng Caribe (CARICOM) cho biết tổ chức khu vực này đã thất bại trong nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận giữa các thế lực tại Haiti.
Ông Ali nhận định “tình hình rất phức tạp” và ngày càng trầm trọng do “thiếu các thể chế hoạt động chủ chốt như Tổng thống và Quốc hội”, bạo lực leo thang và thiếu viện trợ nhân đạo.
Trong khi đó, Thủ tướng Haiti Ariel Henry đang ở Puerto Rico và được FBI bảo vệ. Ngoại trưởng Puerto Rico Omar Marrero khẳng định ông Henry có ý định về nước, mặc dù chưa rõ thời điểm về khi nào.
Trong khi đó, thủ lĩnh băng nhóm vũ trang quyền lực nhất Haiti Jimmy Chérizier, bí danh ‘Barbecue’, cảnh báo nếu ông Henry không từ chức và cộng đồng quốc tế ủng hộ vị thủ tướng này thì quốc gia Caribe sẽ tiếp tục chìm trong nội chiến và tiến tới diệt chủng. (Reuters)