Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động đầu tư và thương mại dọc theo Kênh đào Suez, lưu chuyển một lượng hàng hóa đáng kể từ gã khổng lồ từ châu Á đến phương Tây.
Tuy nhiên, hoạt động của phiến quân Houthi tại Biển Đỏ đang thách thức Trung Quốc – quốc gia thương mại lớn nhất thế giới – trong việc bảo vệ hàng tỷ USD đầu tư chiến lược ở Ai Cập.
Theo dữ liệu từ Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), Bắc Kinh đã khuyến khích các công ty nhà nước đầu tư hàng chục tỷ USD vào các lĩnh vực hậu cần, vận tải và năng lượng của Ai Cập, đồng thời đã gia hạn khoản vay 3,1 tỷ USD, theo Ngân hàng Thế giới.
Những tháng trước khi xung đột Israel – Hamas nổ ra, các công ty từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông đã cam kết đầu tư ít nhất 20 tỷ USD vào các dự án khác nhau dọc theo tuyến đường thủy huyết mạch của Ai Cập.
Đối với các nhà đầu tư Trung Quốc, những người đã bỏ ra số tiền khổng lồ cho tuyến đường thủy trên Biển Đỏ và Kênh đào Suez, các cuộc tấn công có thể khiến họ nản lòng.
Theo AEI, Tập đoàn Vận tải biển Trung Hoa (COSCO) vào tháng 3 năm ngoái đã đầu tư 1 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng cảng của Ai Cập. Tuy nhiên đến ngày 7/1 vừa rồi, COSCO cùng với các hãng vận tải Maersk, Hapag-Lloyd, Evergreen,… buộc phải tạm dừng các dịch vụ đến Israel.
Cũng vào tháng 3 năm ngoái, COSCO cùng CK Hutchison Holdings, một tập đoàn nổi tiếng đặt trụ sở tại Hồng Kông, đã công bố kế hoạch đầu tư thêm 700 triệu USD để phát triển một bến container mới tại cảng Ain Sokhna ven Biển Đỏ và tại B100, một bến container mới của cảng biển Alexandria ven Địa Trung Hải.
Cùng tháng đó, hãng Xinxing Ductile Iron Pipes của Trung Quốc công bố kế hoạch đầu tư 2 tỷ USD vào các nhà máy sắt thép, cũng ở cảng Ain Sokhna. Đây là động thái thể hiện sự quan tâm của Trung Quốc với lợi ích thương mại tại Ai Cập như mối liên kết giữa thị trường châu Á, Địa Trung Hải và châu Âu.
Tháng 10 năm ngoái, Khu kinh tế Kênh đào Suez của Ai Cập đã ký một thỏa thuận trị giá 6,75 tỷ USD với tập đoàn China Energy thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc để phát triển các dự án amoniac xanh và hydro xanh tại Khu công nghiệp Sokhna, cũng như một thỏa thuận trị giá 8 tỷ USD với công ty United Energy niêm yết ở Hồng Kông để thành lập cơ sở sản xuất kali clorua.
Áp lực ngoại giao
Mối đe dọa không chỉ xảy ra với các công ty, mà còn khiến “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI) của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp rủi ro không kém. Ai Cập, Yemen và Iran đều là thành viên của sáng kiến này.
Trong quá khứ, Trung Quốc luôn khẳng định sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền khác. Điều này khiến các nhà phân tích đặt câu hỏi về cách Trung Quốc phản ứng khi các thành viên BRI phát sinh vấn đề.
Vấn đề nan giải đặc biệt nảy sinh khi căng thẳng làm suy yếu mục đích đã nêu của BRI, đó là kết nối châu Á với châu Âu thông qua việc tạo ra một loạt hành lang thương mại và đầu tư xuyên lục địa.
Theo Reuters, Bắc Kinh đang phải chịu nhiều áp lực ngoại giao về vấn đề Biển Đỏ. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định Bắc Kinh muốn đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc xử lý “các điểm nóng” toàn cầu.
Hôm Chủ nhật (ngày 14/1), Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị của Trung Quốc tại thủ đô Cairo nói với người đồng cấp Ai Cập rằng Bắc Kinh ủng hộ một hội nghị hòa bình lớn về vấn đề Israel và Palestine, trong đó có việc thực thi giải pháp hai nhà nước.
Hoài Phương (theo Bloomberg, Reuters)