Chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng lớn nhất của quốc gia hạ lãi suất tiền lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm, đánh dấu một nỗ lực leo thang nhằm thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Các ngân hàng nhà nước Trung Quốc, bao gồm Bank of China (ngân hàng Nhân dân Trung Quốc), Industrial & Commercial Bank of China (ngân hàng Công Thương Trung Quốc) và Bank of Communications (ngân hàng Giao thông Trung Quốc) đã được khuyến nghị cắt giảm lãi suất đối với một loạt sản phẩm, bao gồm tiền gửi không kỳ hạn xuống 0,05% và tiền gửi kỳ hạn 3 và 5 năm xuống ít nhất 0,1%, theo hãng thông tấn Bloomberg.
Các ngân hàng đang xem xét lời đề nghị (không bắt buộc) của chính phủ, và có thể sẽ điều chỉnh lãi suất sớm nhất trong tuần này. Mức lãi suất hàng năm hiện đang áp dụng tại các ngân hàng này là 0,25% đối với tiền gửi không kỳ hạn, và 2,6% và 2,65% đối với tiền gửi có kỳ hạn 3 năm và 5 năm.
Việc cắt giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp giảm chi phí của các ngân hàng, từ đó giảm lãi suất cho vay, thu hút người tiêu dùng và doanh nghiệp vay vốn. Lãi suất tiền gửi thấp hơn cũng sẽ khiến người tiêu dùng hạn chế gửi tiết kiệm tiền mặt và đầu tư nhiều hơn.
Trụ sở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), một trong những ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới, tại Bắc Kinh. Ảnh: Global Finance
Các nhà chức trách Trung Quốc do đó đang tìm cách tăng cường cho vay để thúc đẩy sự phục hồi chậm chạp của nền kinh tế thời gian gần đây do tỉ lệ thất nghiệp tăng cao, thị trường bất động sản trì trệ và căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Sau khi tăng trưởng đột biến trong quý I/2023, các khoản vay mới bắt đầu suy yếu trong tháng 4 do người tiêu dùng và doanh nghiệp hạn chế vay mượn. Các hộ gia đình đang tiết kiệm nhiều hơn và trả bớt các khoản thế chấp, trong khi các doanh nghiệp đối mặt với nhu cầu và lợi nhuận giảm sút.
Theo nhà nghiên cứu Zhang Ming tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cơ quan cố vấn hàng đầu của chính phủ nước này, áp lực lạm phát thấp ở Trung Quốc sẽ tạo cơ hội cho việc nới lỏng tiền tệ trong thời gian tới.
Ông Zhang cho biết, Trung Quốc có thể sẽ xem xét cắt giảm lãi suất hơn nữa và nhắm mục tiêu cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) để giảm chi phí cho vay.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế trưởng của Zheshang Securities Li Chao cũng dự đoán khả năng cắt giảm lãi suất và cắt giảm RRR trong nửa cuối năm nay. Ông kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong quý IV, tạo thêm dư địa cho Bắc Kinh nới lỏng chính sách tiền tệ.
Trung Quốc đã cắt giảm RRR lần đầu tiên trong năm 2023 vào tháng 3, nhưng vẫn giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản. Chênh lệch lãi suất ngày càng lớn với Mỹ đã hạn chế đáng kể phạm vi nới lỏng tiền tệ của quốc gia này.
Nguyễn Tuyết (Theo Bloomberg, Reuters)