Ngày 4/6, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc nhận định, Bắc Kinh và Washington nên xử lý thỏa đáng những khác biệt, dũng cảm vượt qua khó khăn và tìm ra con đường đúng đắn để hòa thuận.
Đối thoại Shangri-La lần thứ 20: Trung Quốc hối thúc Mỹ dung hòa khác biệt; Đức đưa 2 tàu chiến tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào năm 2024 |
Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 20, Bộ trưởng Lý cho rằng, mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ chịu tác động từ sự ổn định mang tính chiến lược toàn cầu và là tâm điểm của sự chú ý trên toàn thế giới.
Ông Lý Thượng Phúc kêu gọi hai dân tộc xứng đáng với kỳ vọng của các nước trên thế giới và phù hợp với xu thế của thời đại. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc nhận định cách đúng đắn để Trung Quốc-Mỹ hòa thuận là tuân theo ba nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại hòa bình và hợp tác cùng có lợi.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc kêu gọi Mỹ hợp tác với Bắc Kinh để đưa quan hệ song phương trở lại đúng hướng, ra khỏi tình hình khó khăn, để mang lại nhiều lợi ích hơn cho cả hai nước và toàn thế giới.
* Cùng ngày 4/6, cũng phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore – hội nghị an ninh quan trọng nhất ở châu Á, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết, Berlin sẽ đưa 2 tàu chiến đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào năm 2024. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), cũng như những vấn đề đang nổi lên ở khu vực Biển Đông.
Ông Pistorius cho biết, các nước cần đứng lên ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và bảo vệ các tuyến hàng hải quan trọng.
Ông Boris Pistorius nói: “Để đạt được mục đích đó, chính phủ liên bang Đức đã đưa một khinh hạm đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương năm 2021 và một lần nữa, vào năm 2024, sẽ triển khai các tài sản hàng hải, lần này là một khinh hạm và một tàu tiếp tế, đến khu vực”.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức cũng cho rằng, việc triển khai này không nhằm chống lại bất cứ nước nào – một tuyên bố dường như nhắm vào Trung Quốc, trái lại, việc triển khai nhằm bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà các bên đã ký kết và cần được hưởng lợi từ điều đó, dù là ở Địa Trung Hải, ở Vịnh Bengal hoặc ở Biển Đông.
Giới quan sát nhận định, bằng cách thể hiện sự hiện diện quân sự lớn hơn trong khu vực, Đức đang “đi trên dây” giữa lợi ích an ninh và kinh tế vì Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức.