Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy có trụ sở tại Sydney, Úc, vừa công bố Bản đồ viện trợ Đông Nam Á, cung cấp thông tin về nguồn tài chính cho hơn 100.000 dự án phát triển được tài trợ bởi gần 100 quốc gia và tổ chức quốc tế từ năm 2015 đến năm 2021.
Theo bản công bố này, Đông Nam Á nhận được khoảng 200 tỷ USD (28 tỷ USD mỗi năm) từ nguồn tài chính phát triển chính thức, phần lớn dưới dạng các khoản vay cho các dự án cơ sở hạ tầng trong giai đoạn này.
Trung Quốc là nhà cung cấp tài chính phát triển hàng đầu cho khu vực này từ năm 2015 đến 2019, nhưng nước này đã tụt lại phía sau Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) trong đại dịch Covid-19.
Theo nhà nghiên cứu Alexandre Dayant từ Viện nghiên cứu Lowy, môi trường kinh tế của Trung Quốc đã thay đổi, nền kinh tế quốc gia này đang chậm lại. Do đó, nhiều người muốn Bắc Kinh ưu tiên thị trường nội địa hơn là chi tiền ra nước ngoài.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đã gặp trở ngại trong một số “siêu dự án” cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á, bao gồm cả tuyến đường sắt East Coast Rail Link ở Malaysia và tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung bị trì hoãn ở Indonesia, theo ông Dayant.
Đóng góp của Trung Quốc cho khu vực Đông Nam Á đã giảm từ 7,6 tỷ USD năm 2015 xuống còn 3,9 tỷ USD vào năm 2021, theo Viện Lowy.
Từ năm 2015 đến năm 2021, Trung Quốc đã giải ngân 37,9 tỷ USD (gần 20% tổng nguồn tài chính của khu vực Đông Nam Á), tương đương 5,53 tỷ USD/năm.
Nguồn tài trợ của Trung Quốc, chủ yếu là các khoản vay, đã được sử dụng để hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng lớn trong khu vực, bao gồm các dự án đường sắt cao tốc ở Malaysia, Indonesia và Thái Lan.
Năm 2015, Trung Quốc cung cấp khoảng 24% khoản hỗ trợ tài chính phát triển chính thức (ODF) của khu vực. Đến năm 2021, con số này đã giảm xuống còn 14%, theo viện nghiên cứu Lowy.
Trong khi viện trợ từ Trung Quốc giảm sút, các quốc gia và đối tác khác, bao gồm Mỹ, Úc và Nhật Bản đã tăng cường hỗ trợ khu vực này nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với Bắc Kinh, Roland Rajah, nhà kinh tế hàng đầu của Viện Lowy cho biết.
“Căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và các chính phủ phương Tây khiến các khoản hỗ trợ tài chính phát triển, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, trở thành một phương tiện để cạnh tranh giành sức ảnh hưởng”, ông Rajah nhận định.
Các đối tác mới cũng đã tăng cường hỗ trợ tài chính trong khu vực. Ngân hàng Phát triển Hồi giáo có trụ sở tại Ả-rập Xê-út cũng cung cấp khoản vay không ưu đãi khoảng 225 triệu USD/năm, chủ yếu cho Indonesia và Ấn Độ.
Tuy nhiên, hầu hết nguồn tài trợ phát triển của khu vực (80%) vẫn đến từ các đối tác truyền thống như các ngân hàng phát triển, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh Châu Âu (EU), Mỹ và Úc, theo báo cáo của Lowy.
Xếp sau Trung Quốc là Nhật Bản với khoản tài trợ 28,2 tỷ USD và Hàn Quốc với 20,4 tỷ USD, tiếp theo là Đức, Mỹ, Úc và Pháp với số tiền từ 5,34 tỷ đến 8,5 tỷ USD.
Nguyễn Tuyết (Theo Al Jazeera, ABC News)